Total Pageviews

6.3.13

Văn hoá dòng họ là một bộ phận hữu cơ, thậm chí là cốt lõi của văn hoá dân tộc


LỜI MỞ ĐẦU
Dân tộc Việt Nam ta có câu ngạn ngữ: "Chim có tổ, người có tông". Còn có câu: “Ly hương bất lý tổ”. Lại có câu: "Uống nước nhớ nguồn".
Ba mắt xích cơ bản của cấu trúc xã hội truyền thống nước ta là: Nhà - Làng - Nước.
Nhiều gia đình cùng huyết thống theo phụ hệ, trên một địa bàn cư trú cụ thể liên kết lại thành chi dòng họ.
Văn hoá dòng họ là một bộ phận hữu cơ, thậm chí là cốt lõi của văn hoá dân tộc.
Quá khứ - hiện tại - tương lai, tuy là ba giai đoạn, nhưng hợp lại chỉ là một dòng chảy của một đời người, của dòng họ, của một dân tộc, và cả của nhân loại.
Con người hiện tại không thể có một cuộc sống có ý nghĩa nếu không biết mình là ai, từ đâu mà đến và rồi sẽ đi về đâu.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, khi mối giao lưu kinh tế - văn hoá với khu vực và thế giới ngày càng được mở rộng khi quá trình toàn cầu hoá ngày càng diễn ra mạnh mẽ thì việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc càng phải được quan tâm hơn bao giờ hết, để trong quá trình phát triển của đất nước, chúng ta người Việt Nam vẫn là người Việt Nam. Và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, do sức sống nội tại và do sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của nhân loại. Ta hoà nhập chứ không hoà tan vào văn hoá ngoại lai, tránh làm sao khỏi bị đồng hoá, vì một khi bị đồng hoá vào văn hoá ngoại lai thì dòng họ và cả dân tộc cũng sẽ biến mất khỏi vũ đài lịch sử.
Dân tộc Việt Nam từ lâu đời rất coi trọng quan hệ huyết thống cùng dòng họ. Câu ngạn ngữ truyền tụng cho đến ngày nay: “Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã”. đã nói lên điều đó. Tuy nhiên, sự nghiệp cứu nước vì chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc đã không cho phép dồn sức người và sức của để chăm lo vấn đề dòng họ.
Sau chiến tranh, trong quá trình hàn gắn vết thương và chấn hưng đất nước, được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam, dần dần dấy lên từ tự phát đến tự giác một trào lưu nổi bật khắp ba miền Bắc - Trung - Nam của đất nước là tìm về cội nguồn.
Dòng họ trở thành một đề tài thời sự. Các nhà thờ họ sửa sang, tôn tạo, mở rộng, xây mới. Các lăng mộ và ngôi mộ tổ tiên được tu sửa, nâng cấp. Người ta sưu tầm, phục hồi, chỉnh lý, bổ xung, nhân bản các gia phả và tộc phả. Các ngày dâng hương, hội lễ được tổ chức khắp các xóm làng và khu phố để tưởng niệm công ơn của tổ tiên và dòng họ. Ở cấp quốc gia, đó là ngày giỗ tổ Vua Hùng, từng làng đó là lễ hội Thành hoàng làng. Trong phạm vi cùng huyết thống gia đình và dòng họ, đó là ngày giỗ tổ tiên dòng họ và gia tiên. Những truyền thống tốt đẹp của dòng họ được phát huy vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.
Dòng họ là một vấn đề khoa học rất khó khăn, phức tạp, nhất là đối với các dân tộc Phương Đông. Cho đến nay, mặc dầu đã ra đời không ít những công trình nghiên cứu. Tuy nhiên mặt thành tựu, kể cả trên thế giới vẫn còn hạn chế. Nhiều vấn đề nêu lên còn nằm trong phạm vi giả thuyết.
Quốc gia - Dân tộc Việt Nam ta có rất nhiều họ với những tên gọi khác nhau. Trong sách báo và trong cuộc sống đời thường, người ta thường nói đến thuật ngữ “trăm họ”. Dùng chữ trăm họ ở đây để nói lên số họ rất đông chứ không phải để chỉ con số trăm chẵn. Như vậy, theo P.Gowrou, trong sách Les paysans du delta tonKinois, riêng ở đồng bằng Bắc bộ có đến 202 họ. Theo Nguyễn bạt Tụy, trong sách “Tên người Việt Nam” ở đồng bằng Bắc bộ có đến 308 họ, ở toàn cõi Việt Nam, có lẽ còn hơn nữa. Theo giáo sĩ Paul Perny trong sách “Appendice du Dictiounaire Francais-Latin-China” dela langue mandarine parles, ở Trung Hoa tìm ra được 450 họ, trong đó 320 họ đơn, 30 họ kép. Theo sự thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam ta có đến trên 200 họ. Chỉ riêng họ Phan không thôi về số chi dòng họ trên cả nước cũng đến hàng ngàn. Họ Phan không chỉ tồn tại trên đất nước ta, không chỉ ở trong dân tộc đa số là người Kinh, mà còn ở một số dân tộc thiểu số nữa. Ngoài Việt Nam họ Phan còn hiện diện ở một số quốc gia gần như Trung Quốc và vương quốc Chăm Pa. Có nước ở xa Việt Nam mà vẫn có họ Phan ví dụ như ở Triều Tiên. Đặc biệt, sau các cuộc chiến tranh và quá trình hoà nhập quốc tế, có thể nói họ Phan ta đã có mặt trên khắp năm châu.
Trong số chi dòng họ Phan ở nước ta hiện nay có chi dòng họ nguồn gốc bản địa nhưng cũng có chi dòng họ vốn từ Trung Quốc chuyển cư đến trong những thời kỳ lịch sử khác nhau. Trước hết, đó là do cư trú ở miền biên giới hai quốc gia, cư dân hai nước trong đó có người họ Phan đi lại qua biên giới quan hệ kinh tế - văn hoá, thậm chí có trường hợp có quan hệ thông gia với nhau. Tình hình xâm thực như vậy, xưa nay ở đâu cũng có. Lại do tình trạng mất mùa, đói kém, dịch bệnh, chiến tranh loạn lạc nên phải rời quê hương tìm nơi yên ổn hơn để lánh nạn làm ăn. Một số người họ Phan bên kia biên giới theo các đạo quân viễn chinh sang xâm lược nước ta ở lại lập gia đình, cư trú lâu đài. Có lần số người sang ta lánh nạn rất đông vì không muốn thần phục chính quyền mới, như cư dân thời nhà Minh, không chịu thần phục Mãn Thanh bỏ sang ta sinh sống, một số nơi lập làng Minh Hương.
Vì vậy sẽ là sai lầm nếu cho rằng tất cả chi dòng họ Phan ở Việt Nam ngày nay là đều do từ Trung Quốc chuyển sang cả trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Cũng sẽ không chính xác nếu ai đó ngày nay lặp lại câu nói từng tồn tại trong cư dân ta trước đây: “Phan tộc thị nhất tộc”. Muốn khẳng định câu nói đó, phải chứng minh bằng luận cứ khoa học, nghĩa là phải dựng cây phả hệ họ Phan không đứt đoạn theo huyết thống dòng họ. Các chi dòng họ Phan ở nước ta hiện nay có số lượng thế thứ mỗi chi không đồng đều. Có chi dòng họ thiết lập được thế thứ không bị gián đoạn đến 30 đời như họ Phan Tùng Mai. Có nhiều chi dòng họ chỉ có thế thứ đến 10 đời.
Gia phả học là một ngành của khoa học xã hội, có nhiệm vụ nghiên cứu và dựng cây phả hệ cho từng dòng họ, làm sao khỏi bị đứt đoạn căn cứ vào huyết thống theo phụ hệ, từ đó lấn về cội nguồn, nghĩa là tìm về vị thuỷ tổ lập ra dòng họ, để những thế hệ của chi dòng họ đó biết được thế thứ của mình. Từ đó xác định các quan hệ huyết tộc. Các thành viên các chi dòng họ được sắp xếp theo thứ tự, thứ bậc từ trên xuống dưới. Mỗi một người như vậy ghi họ tên và chữ lót, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, ngày tháng năm mất, nơi mai táng hoặc cải táng, chức vụ đã kinh qua, lại còn phải ghi quan hệ vợ chồng nội ngoại và con cháu…
Gia phả đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong vấn đề thiết lập kỷ cương, tôn ti trật tự của gia đình, dòng họ. Nó là sợi dây kết nối mọi thành viên trong gia đình, dòng họ, do xác định được mối quan hệ thân sơ, xa gần, nội ngoại để tăng cường đoàn kết tương trợ trong cuộc sống. Nó là tài liệu để nghiên cứu lịch sử xóm làng, dân tộc, quốc gia. Nó là một cốt lõi của văn hoá dân tộc.
Có thể nghĩ rằng lúc đầu gia phả được xây dựng trong các gia đình vua chúa, quý tộc, quan lại. Về sau mới phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân trước hết trong tầng lớp trí thức có học vấn. Ở nước ta, do chữ viết dân tộc trước đây chưa được phổ biến rộng rãi, cho nên lúc đầu gia phả được viết bằng chữ Hán, về sau bằng chữ Nôm và cuối cùng mới bằng chữ Quốc ngữ.
Nhiều gia phả hiện nay được lưu trữ trong kho tài liệu của trường Viễn Đông Bác Cổ, Viện Hán Nôm, các viện nghiên cứu và các trường đại học. Số gia phả còn được giữ lại trong tầng lớp nhân dân hiện nay chưa thống kê được.
Kho tàng gia phả của dân tộc, nói riêng của các chi dòng họ Phan là rất quý giá. Nó chứng tỏ nước ta là một nước văn hiến. Tuy nhiên, do hạn chế của thời đại và lịch sử, gia phả nước ta bộc lộ một số nhược điểm sau:
1. Việc ghi chép gia phả bằng chữ Hán và chữ Nôm làm cho đại đa số cứ dân không đọc được. Chữ viết theo ký hiệu tượng hình, tượng ý, làm cho việc sử dụng, khai thác dễ bị nhầm lẫn, không nhận thức được đúng đắn nội dung văn bản. Các loại nguyên liệu dùng để ghi chép trừ trường hợp đặc biệt bằng kim loại không được bền, sớm bị khí hậu nhiệt đới gió mùa huỷ hoại.
2. Chịu ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến, trọng nam khinh nữ, nên trong gia phả việc ghi chép nữ giới bị coi nhẹ.
3. Việc ghi ngày tháng năm sinh, năm qua đời thường theo âm lịch, sự đối chiếu âm dương lịch gặp khó khăn nên không tránh khỏi sự sai lệch, thiếu chính xác.
4. Trong một xã hội có giai cấp, sự phân biệt giai cấp, chức tước, phẩm hàm và tài sản luôn được coi trọng. Do đó gia phả tầng lớp hữu sản, quý tộc và quan quyền thường được ghi đầy đủ. Còn đối với tầng lớp bình dân việc ghi chép rất sơ sài.
5. Nước ta luôn phải chống xâm lược. Mỗi khi có nạn ngoại xâm thì gia phả bị đốt cháy, huỷ hoại, cướp bóc, tịch thu, gây nên sự tổn thất to lớn đối với văn hoá dân tộc.
6. Khi đất nước bị ngoại bang đang thống trị và chia cắt, gia phả là nguồn tài liệu để phân biệt địch ta, cho nên việc ghi chép các thành viên gia đình, dòng họ được lược bớt hoặc dấu đi không ghi vào, làm cho gia đình bị ly tán, có khi phải sau nhiều đời mới đoàn tụ lại được.
7. Gia phả có mặt tích cực là kết nối dòng họ, từ đó xây dựng và phát triển những truyền thống tốt đẹp của dòng họ. Nhưng mặt trái của nó là xu hướng đề cao dòng họ của mình quá mức, phóng đại thành tựu, song song với hạ thấp thành tựu của dòng họ khác. Sự kèn cựa và bè phái giữa các dòng họ trong xã hội thực dân và phong kiến là không tránh khỏi.
8. Hạn chế lớn có tính chất bao trùm là khoa gia phả học, công cuộc nghiên cứu dòng họ nước ta chưa được phát triển, mạnh ai nấy làm, chưa có một cách ghi chép chuẩn mực gia phả thống nhất vừa dễ đọc đối với quảng đại quần chúng vừa dễ khai thác phục vụ cho sự nghiên cứu về dòng họ, một lĩnh vực thuộc thiết chế xã hội, qua đó để phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ và văn hoá dân tộc.
Công cuộc nghiên cứu dòng họ không thể không bắt đầu từ việc tìm hiểu nguồn gốc dòng họ, sự nảy sinh và quá trình phát triển lịch sử của dòng họ.
Sự ra đời của dòng họ là một vấn đề cực kỳ khó khăn phức tạp của khoa học lịch sử. Hiện nay trong giới học giả thế giới và nước ta vẫn còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Trong xã hội có giai cấp và có nhà nước, dòng họ đã xuất hiện như một thiết chế xã hội. Điều này là không cần bàn cãi. Nhưng dưới xã hội nguyên thuỷ, khi thị tộc, lúc đầu là mẫu hệ về sau là phụ hệ, là hạt nhân cơ bản của xã hội làm chức năng điều tiết mọi quan hệ xã hội thì dòng họ đã ra đời chưa? Không ít người cho rằng trong hình thái kinh tế xã hội đầu tiên của loài người là công xã nguyên thuỷ thì dòng họ đã tồn tại. Tôi cho rằng dòng họ chỉ xuất hiện trong tiến trình giải thể xã hội nguyên thuỷ và hình thành xã hội có giai cấp và sự ra đời của nhà nước. Trong xã hội có giai cấp và có nhà nước, thị tộc đa tan rã, điều tiết mọi quan hệ xã hội là công xã láng giềng hay còn gọi là công xã nông thôn. Trong thời gian này, công xã thị tộc theo huyết thống tuy không còn vai trò điều tiết xã hội như trước kia, nhưng chưa tan rã hẳn, và trong xã hội có sự thống trị và sự điều tiết công xã nguyên thuỷ thì nó tiếp tục tồn tại với sự biến dạng bằng các chi dòng họ theo huyết thống. Hồi bấy giờ trên một phạm vi đất đai cụ thể là công xã láng giềng có hai mối quan hệ: quan hệ chủ đạo là quan hệ láng giềng, quan hệ huyết thống theo phụ hệ là quan hệ thứ yếu. Công xã thị tộc tan rã, nhưng tàn dư của nó dưới dạng chi dòng họ còn tồn tại một thời gian nữa trong xa hội có giai cấp và có nhà nước. Thực tế lịch sử cho ta lý do để giả thiết rằng dòng họ chỉ xuất hiện trong xã hội có giai cấp và có nhà nước, chứ không sớm hơn. Hiện nay ở một số xã hội còn trong quá trình tan rã của xã hội nguyên thuỷ như nhiều dân tộc thiểu số nước ta, người ta vẫn gọi thiết chế xã hội của họ là dòng họ. Tuy nhiên cần thấy rằng đó không phải là dòng họ thực sự như ở người Kinh.
Như vậy có thể nghĩ rằng ở Việt Nam, trước khi nước Văn Lang ra đời trước kia người ta cho rằng cách đây 4000 năm, thành tựu khảo cổ học  Việt Nam xác định nước Văn Lang ra đời vào thế kỷ thứ tám thiên niên kỷ I trước công nguyên tức cách ngày nay khoảng 2800 năm. Nước ta bị phong kiến phương bắc đô hộ 1000 năm. Có thể một số dòng họ ở nước ta xuất hiện sớm. Nhưng trên đại thể, thời gian Bắc thuộc là thời gian tan rã sâu sắc xã hội nguyên thuỷ ở nước ta và dòng họ thực sự ra đời rộng rãi và phổ biến ở nước ta từ những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ II sau Công nguyên.
Trong những lĩnh vực liên quan đến họ Phan nước ta có hai vấn đề rất khó khăn trong tìm hiểu là:
1. Họ Phan nước ta xuất hiện vào thời kỳ nào trong lịch sử dân tộc?
2. Địa bàn sinh tụ họ Phan nước ta lúc khởi đầu là ở đâu?
Qua nhận thức về lịch sử dân tộc ta của nhiều nhà nghiên cứu trong đó các nhà Hán học uyên thâm thời cổ, trung đại thì lịch sử Việt Na thời xa xưa thường là sự quyện chặt của hai yếu tố: thần thoại, truyền thuyết và lịch sử. Càng lùi xa về quá khứ thì yếu tố truyền thuyết, thần thoại càng đậm đặc. Nhưng với thời gian muộn hơn thì yếu tố lịch sử lại được tăng cường. Sự xen kẽ của hai yếu tố ấy theo chiều hướng yếu tố lịch sử ngày càng tích hợp, tăng trưởng, để cuối cùng chiếm ưu thế ở thời cổ và hoàn toàn ở thời trung đại.
Căn cứ vào thành tựu của khoa học lịch sử nước ta hiện nay, ta có thể nghĩ rằng mặc dù người họ Phan đã được nhắc đến từ rất sớm với Phan Đô dâng hai con gái cho Kinh Dương Vương, Kinh Dương Vương truyền ngôi cho Lạc Long Quân, đến con Lạc Long Quân là Hùng Quốc Vương, vị Vua Hùng đầu tiên của nước Văn Lang đóng đô ở đền Hùng hiện nay. Đến đời Vua Hùng Vương thứ 18 là Hùng Duệ Vương, Ngài Phan Tây Nhạc gốc ở Ái Châu từng giúp vua đánh giặc cứu nước, được Vua Hùng gả cháu ngoại là ba nàng công chúa. Nhờ có công lớn nên được vua phong là Thành Hoàng và được thờ ở đình làng Thị Cấm và làng Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Ở nhân vật Phan Tây Nhạc, tuy vẫn còn yếu tố truyền thuyết, thần thoại, nhưng yếu tố lịch sử đã nổi trội. Ta có thể xem Ngài là khởi đầu cho lịch sử họ Phan nước ta cách đây 23 thế kỷ. Còn lịch sử nước ta, căn cứ vào sự ra đời của nhà nước đầu tiên là Văn Lang (ở thế kỷ thứ 8, Thiên niên kỷ I trước Công nguyên) thì cách ngày nay 2800 năm.
Khi ta chấp nhận Phan Tây Nhạc là nhân vật khởi đầu cho họ Phan nước ta thì đồng thời ta cũng chấp nhận địa bàn hình thành đầu tiên của họ Phan nước ta là ở Châu Ái (tức Thanh Hóa ngày nay).
Khi nghiên cứu dòng họ, ta bắt gặp một vấn đề nữa cực kỳ khó khăn gần như nan giải là tên gọi dòng họ. Tại sao dòng họ lại có tên gọi ấy. Ý nghĩa của nó là như thế nào? Về tên gọi họ Phan đến nay có không ít các giả thiết. Ở Trung Quốc, tên gọi họ Phan là do thời nhà Tây Chu thực hiện chế độ phân phong, Chu Vũ Vương (thế kỷ thứ 11 trước Công nguyên) cho cháu của Chu Văn Vương Cơ Xương là Bá Quý thực ấp ở đất Phan (vùng Cổ Thủy ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), và do Bá Quý cai trị đất Phan có công nên được gia phong là Tước Bá. Năm 663 trước Công nguyên, nước Sở ở Phương Nam tiến lên thôn tính các nước nhỏ ở Phương Bắc. Vua nước Phan là Quyên  Dũng triệu tập bề tôi và phán: Nước Phan ta gặp nạn ta có điều ước: Để tưởng nhớ nước Phan ta mấy trăm năm hưng thịnh, tất cả thần dân nước Phan ta hãy lấy tên nước làm họ, họ Phan mãi mãi không quên đất tổ nước Phan.
Trung tâm tư liệu lịch sử Hoa Kỳ lại có cách giải thích khác về nguồn gốc tên gọi họ Phan. Người ta cho rằng hồi trước, ở các nước Việt Nam, Thái Lan, Myanma, có tập quán cư dân dùng một nhạc cụ giản đơn để vào môi và thổi. Nhạc cụ đó gọi là Phan, và Phan cũng là người sử dụng nhạc cụ đó.
Ở nước ta cách giải thích nguồn gốc tên gọi họ Phan như sau:
Theo truyền thuyết là từ đời nhà Chu (1068 trước Công nguyên) ở vùng Dương Việt, có một tù trưởng biết lợi dụng sông ngòi lấy nước làm ruộng giúp nhà vua làm ruộng cấy lúa nước được mùa. Để đến ơn Vua Chu cho được hưởng ruộng lộc tức thái điền và đặt tên họ ghép hai chữ thái điền với ba chấm thủy thành chữ tượng hình đọc là Phan. Người tù trưởng đó theo truyền thuyết là Phan Tất Công. Họ Phan bắt đầu ra đời từ đấy.
Việc giải mã tên gọi dòng họ, vừa là vấn đề khoa học, vừa là để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Những giả thuyết nêu trên là theo lối duy danh định nghĩa, hoặc theo lối ước đoàn chủ quan chưa đủ sức thuyết phục.
Tuy nhiên khi nghiên cứu dòng họ, điều cốt lõi không phải là xác định tên gọi, mà chính là lịch sử phát triển cụ thể của dòng họ.
Dù sao thì sự tồn tại họ Phan ở Việt Nam và trong lịch sử dân tộc Việt Nam vẫn là một thực tế lịch sử. Con đương tiến triển về không gian và thời gian của họ Phan cũng là con đường mở rộng bờ cõi chủ yếu theo hướng nam tiến của dân tộc. Sự phát triển của họ Phan về lực lượng cũng gắn liền với sự phát triển của sức mạnh dân tộc. Trong công cuộc khai hoang lập ấp ở các châu Ô, Rí có vùng đất do họ Phan khai canh. Họ Phan làng Thanh Lương còn lưu giữ câu đối ở nhà thờ họ:
Thanh Lương đầu tám họ
Khai canh trước một làng
(Tám họ đó là: Phan, Trần, Dương, Lê, Nguyễn, Phạm, Hồ, Huỳnh).
Thực tế lịch sử nói lên rằng họ Phan đã cung cấp cho dân tộc không ít danh nhân. Các danh nhân đã góp phần làm rạng rỡ cho dân tộc, là niềm vinh dự và tự hào chính đáng của những người mang tên dòng họ Phan ta. Hiện ở nước ta từ đồng bằng, miền núi, thành phố, hải đảo khắp Bắc Trung Nam từ cực bắc Lũng Cú đến mũi Cà Mau, từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đến cả năm châu bốn biển nhiều nơi có người họ Phan sinh sống.
Dựng lại gia phả, tộc phả hiện nay là nhiệm vụ cấp bách của mỗi gia đình cũng như đối với từng chi dòng họ để tiến tới hợp phả, khôi phục cây phả hệ nhất thống của ho Phan cả nước ta. Nó đóng góp một phần rất trọng yếu vào việc giáo dục truyền thống tốt đẹp của dòng họ, làm cho mọi người, mọi lứa tuổi, mọi thế hệ, trước hết là tầng lớp thanh niên hiểu biết sâu sắc về dòng họ của mình, tự hào chính đáng về dòng họ của mình, để đừng có bất cứ suy nghĩ và hành động nào không xứng đáng với truyền thống dòng họ, làm ô danh tổ tiên, để vượt qua mọi thách thức trong cuộc sống của một thế giới hiện đại, toàn cầu hoá, phát huy tinh hoa, sức mạnh văn hoá, sức mạnh tinh thần to lớn của dòng họ và góp sức vào cuộc đổi mới đất nước vào sự nghiệp cách mạng, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu, tiến lên cùng trăm họ trong cả nước, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, ngẩng cao đầu tựa lưng vào dãy Trường Sơn, hướng mặt ra Thái Bình Dương lộng gió thời đại.
Truyền thống vẻ vang của dòng họ Phan là tài sản vô giá mà tổ tiên ta đã để lại cho con cháu, nổi bật là truyền thống dựng nước và giữ nước, truyền thống sản xuất và chiến đấu, truyền thống khai hoang, xây dựng xóm làng, truyền thống hiếu học, truyền thống đoàn kết, tương trợ, tương thân tương ái, truyền thống khắc phục khó khăn tiến lên phía trước, truyền thống gìn giữ bảo vệ, làm giàu và phát huy văn hoá dân tộc….
Nhận thức tầm quan trọng lớn lao của vấn đề dòng họ, các bậc thức giã ở nước ta, những trí thức dân tộc, những người am hiểu sâu sắc văn hoá dân tộc, những nhà khoa bảng uyên thâm Hán học đã sớm quan tâm nghiên cứu dòng họ, gia phả và tộc phả.
Gia phả họ Phan Tùng Mai đã có từ đời Lê (1426-1788). Ngài Phan Thế Xứng (1650-1731), đời thứ 13 Giáp phái là người khởi xướng cuốn gia phả đầu tiên của họ Phan ta. Nhưng cuốn gia phả chính thức đầu tiên của họ Phan Tùng Mai là do Ngài Phan Tuấn Trung (1685-1758) thuộc đời thứ 15 Sửu phái biên soạn. Ông đã thu thập tài liệu của các vị đi trước, dựa vào lời kể của  bà ngoại người họ Lê và lời khuyên của họ Trần (cũng là bên ngoại) để viết cuốn Phan Thế Gia Ký. Kế đó các cụ cử nhân Phan Quý Tổ (1770) và cử nhân Phan Trọng Du (1873), các vị Phan Xuân Duyên (1923), Phan Trọng Lịch và nhiều người ở các thế hệ kế tiếp sau bổ sung làm cho gia phả họ Phan ta được truyền dẫn lâu dài.
Từ khi nước nhà được khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc, công cuộc nghiên cứu dòng họ và phả hệ được xúc tiến ngày càng mạnh mẽ cho đến nay. Trong lịch sử dòng họ Phan một số nhận thức, quan điểm của nhiều người đã xích lại gần nhau hơn và một số vấn đề quan trọng đã đạt được sự nhất trí:
1. Các dòng họ Phan ở Việt Nam đều nhất trí cho rằng Phan Tây Nhạc là vị Thượng Thế Thuỷ Tổ của họ Phan. Họ Phan Việt Nam khởi đầu từ thế kỳ 3 trước Công nguyên và địa bàn phát tích đầu tiên của họ Phan Việt Nam là Châu Ái (Thanh Hoá ngày nay). Đình Thị Cấm xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, nơi thờ Phan Tây Nhạc là Thành hoàng làm nơi hội tụ tâm linh của Phan tộc Việt Nam. Ngày 12 tháng 2 Âm lịch, ngày sinh của Phan Tây Nhạc là ngày dâng hương về cội nguồn của Phan tộc Việt Nam.
2. Hiện nay lịch sử chưa cung cấp cho ta các cứ liệu về thế thứ dòng họ Phan từ sau Phan Tây Nhạc. Cho nên lịch sử họ Phan trực tiếp phải kể từ Ngài Phan Hách. Mấy chục năm nay liên quan đến Ngài Phan Hách có hai vấn đề tranh luận là: Vấn đề thứ nhất là Ngài người gốc Việt hay gốc Chăm Pa. Nhiều ý kiến cho rằng Ngài là người Việt bản địa. Vấn đề thứ hai là năm sinh của Ngài. Hiện có 4 giả thiết là các năm 1014, 1274, 1279 và 1194. Hầu hết các ý kiến cho rằng năm sinh của Ngài là 1194. Ngài sinh vào cuối triều Lý được vinh danh là quan nội hầu nhà Lý, và đầu đời Trần được phong là Trần Triều Vương phó sư và qua đời năm 1257, thọ 63 tuổi. Ngài phát tích từ ấp Đơn Chế, phủ Hà Ba (Thanh Hoá). Mộ của Ngài được an táng tại thôn Ngãi Lăng xã Quyết viết, nay là xã Đức Yên huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh.
3. Vấn đề thứ 3 được tìm hiểu công phu và sôi nổi hơn cả là về thân thế sự nghiệp của Ngài Phan Quang Minh. Vấn đề phức tạp là ở chỗ có hai nhân vật cùng thời mang tên là Phan Quang Minh, một người không có chức tước chỉ sinh một con và ghi là vô truyền, một người là Thống lĩnh đại tướng quân với 6 người con trai. Tham gia tìm hiểu vấn đề là cả 3 dòng họ Phan: Một ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội, một ở Thạch Châu, Thạch Hà, Hà Tĩnh và một ở Thừa Thiên Huế. Sự gặp mặt trao đổi nghiên cứu, đối chiếu gia phả ở 3 nơi được kết thúc bằng lễ dâng hương ở nhà thờ của Ngài Phan Quang Minh tại Thạch Châu ngày 19/5/2004 và bằng Cáo văn đoàn tụ kết thúc 600 năm anh em họ tộc mất liên lạc. Căn cứ vào Cáo văn đoàn tụ, Ngài Phan Quang Minh là con của Ngài Phan Cá Nậm, thuộc đời thứ 4 của Ngài Thuỷ Tổ Phan Hách, được gọi là Bính phái, thuộc nhánh trưởng gồm: Giáp, Ất, Bính; nhánh thứ gồm Tý, Sửu, Dần, Mão. Các con trai của Ngài là Phan Phu Tiên, Phan Hữu Giá, Phan Hữu Sum, Phan Viết Bao, Phan Viết Ngư, Phan Viết Nổi thuộc đời thứ năm của dòng họ Phan Hách. Phái Phan Quang Minh thuộc đại tôn Phan Tùng Mai. Dòng họ Phan Tùng Mai phát triển liên tục từ thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ thứ 21 với gần 30 đời với số đinh không kể nữ là trên 1 vạn người, một dòng họ lâu đời hiếm thấy ở nước ta.
Theo kết quả nghiên cứu hiện nay thì làng Thanh Lương trước đây gọi là Thanh Kệ được thành lập từ đầu thế kỷ thứ XVI. Tham gia thành lập làng có sự hợp tác của người thuộc tám họ như đã nói trên và tám họ đó hiện nay vẫn còn được thờ tự trong đình làng. Đồng thời với việc dựng làng là việc đặt nền móng cho sự ra đời chi dòng họ Phan tại làng. Người có công trong lĩnh vực này là Ngài Phan Viết Lộc, Đô chỉ huy sứ, Quản lệnh tiền tướng quân. Ngôi mộ Ngài hiện còn ở Hiệp Khánh. Họ Phan làng Thanh Lương do sự phát triển về số dân nên từ một họ Phan đã tách ra thành 2 họ và ở cùng phe nhì trong cùng một xóm. Họ Phan gốc thì nằm phía trong gần bờ đê sông Bồ gọi là họ Phan Bá. Họ Phan được tách ra toạ thị ở phía ngoài đồng ruộng gọi là họ Phan Văn. Cả hai họ ngày nay đều tôn thờ vị thuỷ tổ là Ngài Phan Viết Lộc.
Họ Phan làng Thanh Lương từ lâu đã có tộc phả. Trước kia tộc phả viết bằng chữ Hán rồi viết chữ Nôm. Bản tộc phả hiện nay đang lưu hành là bản chữ quốc ngữ. Bản tộc phả này được biên soạn từ ngày 30/9/1955. Người phụng biên dich là cụ Phan Thúc Khiết, nhà Hàn học, từng làm hương sư, được phong làm cứu phẩm văn giai, từng có thời gian làm trưởng họ. Cuốn tộc phả này ghi chép người họ Phan từ đời thứ nhất đến đời thứ 14. Tiếp theo cuốn tộc phả này còn có thêm một bản phổ nữa ghi từ đời 14 đến đời 16 do trưởng họ hiện nay bổ sung. Từ năm 1955 đến nay đã gần 60 năm trôi qua. Hơn nửa thế kỷ đã qua là thời kỳ biến động lịch sử to lớn, chiến tranh kéo dài ác liệt, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Gia đình và dòng họ khắp cả nước đã có những đổi thay sâu rộng, nhiều người đã qua đời và nhiều con cháu sinh sôi nảy nở đòi hỏi phải xây dựng một tộc phả mới.
Nhận nhiệm vụ quan trọng này do ông Phan Thứ, tộc trưởng họ Phan Bá làng Thanh Lương giao phó, dựa vào 2 bản tộc phổ bằng chữ quốc ngữ do trưởng họ cung cấp, tôi đã gắng sức tìm hiểu tiếp thu các thành quả nghiên cứu dòng họ nước ta nói chung và họ Phan nói riêng. Đặc biệt có ích cho tôi là các công trình tài liệu sau:
1. Cuốn sách họ Phan trong cộng đồng dân tộc Việt Nam của cụ Phan Tương NXBVH Thông tin Hà Nội 1997.
2. Phan Viết Đại Tộc Tôn Phổ. Bản chính bảo tự Phan Viết Đại Tộc từ đường thôn Tám, xã Phú Bài, Thừa Thiên Huế (1989).
3. Phan Phước Tộc đệ nhất phái phổ chí (Tiên Lộc xã) của Phúc Tân Phan Viết Xã. Phan Tộc yếu lược sử (Thừa Thiên Huế 1995).
4. Phan Thế Gia Ký họ Phan Tùng Mai Hà Tĩnh - Hà Nội (2007) Hội đồng gia tộc Phan Tùng Mai biên soạn.\
5. Phan Thế Gia Ký - Họ Phan Thuỷ Tổ Phan Hách (từ đời thứ 1 đến đời thứ 8) - Dòng Phan Quang Minh, Bính Phái - Phổ hệ Phan Phu Tiên - Hà Nội - 2011. Hội đồng gia tộc họ Phan hiệu Tùng Mai biên soạn.
6. Phan Thế Gia Ký - Họ Phan Thuỷ Tổ Phan Hách (Từ đời thứ 1 đến thứ 8) - Dòng Phan Quang Minh - Bính Phái - Phổ hệ Phan Viết Bao (Thừa Thiên Huế 2011). Hội đồng gia tộc họ Phan hiệu Tùng Mai biên soạn.
7. Gia phả một số làng Hà Cảng, Tân Phước.
Cuốn tộc phả Phan Bá làng Thanh Lương được biên soạn mới gồm ba phần:
Phần I - Lời mở đầu
Phần II - Nội dung chính
A. Sự khởi đầu của họ Phan nước ta
Từ Ngài Thượng thế Thuỷ tổ Phan Tây Nhạc (năm 258 trước Công nguyên) đến Ngài Thuỷ tổ Phan Hách (1194-1257) (15 thế kỷ).
B. Thời kỳ bắt đầu sự phát triển liên tục
Từ Ngài Thuỷ tổ Phan Hách đến Ngài Phan Viết Lộc
Từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XVI (4 thế kỷ)
C. Thời kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Từ đầu thế kỷ XVI khi họ Phan do Ngài Phan Viết Lộc xây dựng ở làng Thanh Kệ (tức làng Thanh Lương ngày nay) đến thế kỷ XXI (5 thế kỷ).
Phần III - Phụ lục
Cuốn tộc phả Phan Bá làng Thanh Lương biên soạn năm 1955 chỉ khởi đầu từ ngài Phan Viết Lộc, thế kỷ 16. Cuốn phả lần này dựa vào các nguồn tài liệu mới, lần về cội nguồn.
Trước hết là lần về Ngài Thuỷ tổ Phan Hách (thế kỷ 12). Lại còn lần về Ngài Thượng thế Thuỷ tổ Phan Tây Nhạc (thế kỷ 3 trước Công nguyên, tức là kéo dài lịch sử họ Phan ta thêm 19 thế kỷ nữa). Viết Gia Phả, tộc phả là một việc làm khó khăn phức tạp. Cuộc sống phát triển không ngừng, do đó dù gia phả, tộc phả có viết tốt đến đâu thì sau một thời gian cũng phải xem xét lại để chỉnh lý và bổ sung.
Cuốn tộc phả họ Phan Bá này mặc dù có rất nhiều cố gắng trong việc biên soạn, nhưng chắc chắn không tránh khỏi hạn chế và thiếu sót. Rất mong các bậc thức giả và bà con đồng tộc góp ý để cuốn tộc phả tiếp theo có được chất lượng cao hơn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do Họ giao phó tôi nhận được sự giúp đỡ, cộng tác đầy tâm huyết và rất có hiệu quả của người đồng tộc: kỹ sư Phan Văn Hiến. Xin được bày tỏ ở đây lời cảm ơn chân thành.
Hà Nội, 6-2012
GS.Phan Hữu Dật



No comments:

Post a Comment