Total Pageviews

8.3.13

MA THUẬT LÀM HẠI TRONG TÍN NGƯỠNG CÁC DÂN TỘC VÀ PHƯƠNG PHÁP KHẮC PHỤC


Ma thuật, tiếng Anh là magic, tiếng Pháp - magic, tiếng Nga - Maura, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: mageia. Vậy ma thuật là gì? Cho đến nay trong giới khoa học vẫn còn những kiến giải khác nhau.
Nhiều người cho rằng ma thuật là những hành động khác nhau của con người, nhằm một mục đích nào đó, tác động đến ngoại giới, bằng các biện pháp như thần chú, lời nguyện, thuốc men… Niềm tin có thể tác động đến ngoại giới này xuất hiện rất sớm trong lịch sử loài người. Đây là niềm tin “ngây thơ”, khi trình độ hiểu biết của con người còn thấp và con người nguyên thủy còn bất lực trong cuộc đấu tranh với các lực lượng tự nhiên để sinh tồn. Ma thuật dựa trên cơ sở niềm tin rằng bên cạnh thế giới thực, dường như còn tồn tại một thế giới siêu nhiên, các hiện tượng của giới tự nhiên dường như được các sức mạnh siêu nhiên chi phối, và con người trong những hoàn cảnh và điều kiện nhất định dường như có được sức mạnh siêu nhiên, mà nhờ đó tác động đến các hiện tượng tự nhiên và số phận con người theo mong muốn của mình.
Ma thuật xuất hiện trong xã hội nguyên thủy, là một hình thái của tín ngưỡng nguyên thủy. Nó tiếp tục tồn tại trong các xã hội có giai cáp và nhà nước. Cố nhiên, trong xã hội nguyên thủy, sự tác động của nó đến con người sâu rộng, phong phú và đa dạng; còn trong các xã hội có giai cấp, phạm vi tác động của nó bị thu hẹp, biểu hiện của nó bị biến tướng và nhiều trường hợp dưới dạng tàn dư. Có một điều, cho đến nay có người còn chưa nhận thức được rằng ma thuật không chỉ tồn tại trong các tín ngưỡng nguyên thủy, mà nó còn là một yếu tố không thể tách rời trong tất cả các tín ngưỡng tôn giáo của loài người, từ đa thần giáo đến nhất thần giáo, từ tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy đến hình thái tôn giáo dân tộc, khu vực và tôn giáo thế giới.
Từ trước đến nay, trong giới khoa học không ít người quan tâm nghiên cứu ma thuật. Ta có thể kể F.Heghen, G.V.Plekhanốp, A.Lenan, D.Frazer, đặc biệt nhà dân tộc học Xô viết, Giáo sư S.A.Tôcarep với công trình “Bản chất và nguồn gốc ma thuật” (Tôcarep, 1959). Trong cuốn sách “Tôn giáo các dân tộc trên thế giới”, khi đề cập đến tôn giáo các dân tộc cụ thể, Giáo sư S.A.Tôcarép không bao giờ không nói về ma thuật.
Một trong những vấn đề khi nghiên cứu ma thuật là sự phân loại. Có thể nêu lên một số cách phân loại như sau:
1. Căn cứ vào mức độ phức tạp, người ta chia ra hai loại ma thuật:
a. Ma thuật với tác động mang tính cá nhân. Ví dụ, người ta tin rằng nếu đi đường mà gặp một con mèo đen chạy qua thì đó là sự báo trước điều bất hạnh. Để tránh rủi ro, người ta phải dùng ma thuật. Có người nhổ nước bọt ba lần qua vai trái.
b. Ma thuật với tác động mang tính tập thể. Ví dụ, để tránh bệnh dịch vào làng, có dân tộc, nửa đêm các bà già đánh trần, ca những ai khúc, đọc những lời cầu khẩn trong khi dùng cày chìa vôi hoặc lưỡi cày vạch những đương cày quanh làng.
c. Nghi thức ma thuật cá nhân hay tập thể bao gồm một hệ thống hành động. Ví dụ, để chữa bệnh lao, có dân tộc lấy nước từ ba cái giếng, ngâm mùn phế liệu từ ba nhà gỗ, rồi ném thẳng tay xuống đất từ ba mái nhà đó.
2. Căn cứ vào tính chất, người ta phân biệt ma thuật phòng ngừa và ma thuật gây hấn:
a. Ma thuật phòng ngừa, hay ma thuật bảo vệ hoặc xua đuổi: Để thực hiện, người ta mang bùa hộ mệnh, sử dụng các loại thuốc men…
b. Ma thuật gây hấn: Gồm các hình thức ma thuật làm hại người (của cá nhân hay tập thể).
3. Căn cứ vào sự tác động đến đối tượng trực tiếp hay gián tiếp, gần hoặc xa, toàn bộ hay một bộ phận con người để phân loại:
a. Sức mạnh vào sự tác động bằng tiếp xúc trực tiếp vào con người như mang bùa, sử dụng thuốc men. Thổ dân châu Phi khi đi săn mang bùa các loại sừng sơn dương, da và đuôi mèo rừng, vỏ quả hồ đào, vỏ ốc, răng và móng chân báo trong người để tránh tai họa và cầu may. Để tránh sử tử và báo vồ thì mang bùa bằng răng và móng các con thú ấy. Ví dụ, để gây tác hai cho kẻ thù ở bộ lạc lân cận, phù thủy thổ dân Úc thường hướng một chiếc đũa nhọn hay một khúc xương về phía kẻ thù thì thầm nguyền rủa. Họ tin rằng làm thế kẻ thù sẽ chết hoặc bị đau ốm nặng. Họ còn buộc dây vào khúc xương, cắm xuống đất, ném xương vào kẻ thù và tin rằng làm vậy, máu kẻ thù sẽ bị hút theo dây và tuôn vào đất.
c. Ma thuật từng phần: Muốn gây hại kẻ thù, người ta tìm cách lấy một nắm tóc, một mảnh y phục, thậm chí một ít phân của kẻ thù, để làm phù phép thay cho tác động đến toàn bộ cơ thể kẻ thù và nói lời nguyền. Vì thổ dân ở Tân Ghinê gìn giữ tóc của mình, nên để có tóc thổ dân Papou dùng cho nghiên cứu chống lại quan điểmphân biệt chủng tộc, nhà dân tộc học Micluc Maclai đã buộc phải đổi tóc của mình để lấy tóc thổ dân. Khi trở về Nga, tóc trên đầu ông bị thưa hẳn đi. Với thổ dân Mêlanêdi, để gây hại kẻ thù, họ lấy tóc, thức ăn thừa của kẻ thù ném vào lưng chúng.
4. Ma thuật thực hiện bằng thủ pháp bắt chước. Nhiều tộc người trước lúc đi săn thú thường vẽ hình thú trên mặt đất, nhảy múa vòng quanh hình thú, lấy giáo lao đâm vào hình vẽ. Hoặc trong chiến tranh bộ lạc, tước khi xuất trận cũng vẽ hình người và làm như trên. Thổ dân da đỏ (bộ tộc Ôtgipve) thì tạc đầu kẻ thù bằng gỗ, phóng lao vào, và tin kẻ thù sẽ chết.
5. Có người còn nêu lên một loại hình ma thuật bằng lời nói (thần chú, lời cầu nguyện). Nhưng quan điểm này không được chấp nhận, vì người ta cho rằng ma thuật lời nói không phải là một hình thức riêng biệt, mà nó hiện diện trong tất cả các hình thức ma thuật khác.
6. Đáng chú ý hơn cả là cách phân loại ma thuật dựa trên mục đích.
a. Ma thuật đen và ma thuật trắng. Cách phân loại này rất thịnh hành thời Trung thế. Người ta cho rằng ma thuật trắng là loại ma thuật dựa vào sức mạnh huyền bí của các lực lượng sạch, tức thần thánh để tác động đến tự nhiên và số phận của con người. Còn ma thuật đen thì dựa vào lực lượng không sạch, tức là sức mạnh hư ảo của ma quỷ để tác động đến con người và tự nhiên.
Với sự phát triển của tri thức nhân loại, người ta thấy rằng một sự nhận thức như vậy là phi lý và không có cơ sở, vì trên thực tế, cả thần thánh lẫn ma quỷ đều không có thật và đều do trí tưởng tượng, hư ảo của con người tạo ra mà thôi. Ngày nay, tuy cũng chia ma thuật ra làm ma thuật đen và ma thuật trắng, nhưng người ta có cách giải thích như sau: Theo Michel Panoff và Michel Perrin, ma thuật đen là loại ma thuật dùng để thu phục ma quỷ và chế ngự các lực lượng siêu nhiên nguy hại, lấy đó làm công cụ để giết người. Tất cả các xã hội của loài người đều lên án nó và phân biệt nó với ma thuật trắng. Còn ma thuật trắng là loại ma thuật dùng để tránh khỏi nạn nhan của ma quỷ. Như vậy nó không được xem là phản xã hội, như ma thuật đen (Panoff, Perrin, 1973, tr.165-166).
Ma thuật như trên đã trình bày dù chỉ là một hình thái tín ngưỡng trong hệ thống tín ngưỡng-tôn giáo đa dạng và phức tạp của con người, nhưng nó bao gồm nhiều vấn đề từ bản chất, nguồn gốc, các loại hình, quá trình phát triển, sự tồn tại trong các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa, thậm chí cả ngày nay - trong các xã hội công nghiệp, dưới dạng tàn dư. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh của vấn đề loại hình là ma thuật làm hại, vì nó gây tác hại rất nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng cư dân và dân tộc. Còn ma thuật trắng mà theo sự phan loại hiện nay bao gồm các ma thuật mưu sinh, ma thuật chữa bệnh, ma thuật tình yêu, ma thuật chiến tranh sẽ được đề cập trong một dịp khác.
Ma thuật làm hại, còn được gọi là ma thuật đen, ma thuật dữ. Đây là một trong các loại ma thuật cổ xưa nhát của loài người.
Mọi người đều biết tôn giáo tín ngưỡng không phải được nảy sinh cùng lúc với sự xuất hiện loài người. Loài người phát triển đến một giai đoạn nào đó mới xuất hiện tôn giáo. Tôn giáo tín ngưỡng nảy sinh do hai nguồn gốc: nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội. Nguồn gốc nhận thức là sự phát triển trí tuệ còn thấp, là sự hạn chế về dân trí. Còn nguồn gốc xã hội để nảy sinh ma thuật làm hại trong xã hội nguyên thủy, hình thái kinh tế - xã hội đầu tiên của loài người là như thế nào? Xã hội nguyên thủy là một xã hội chưa có giai cấp, chưa có nhà nước, chưa có áp bức và bóc lột. Tuy chưa xuất hiện mâu thuẫn đối kháng, nhưng cũng đã nảy sinh mâu thuẫn gắn liền với sự phân công lao động tự nhiên (phân công lao động theo giới và theo tuổi) trong nội bộ từng cộng đồng theo huyết thống; các loại hình lao động trí óc, các loại tri thức dù là sơ khai đều do tầng lớp cao tuổi nắm giữ. Sự vi phạm vô tình hay cố ý ranh giới sinh sống giữa các thị tộc và bộ lạc cũng thường dẫn đến những mối quan hệ căng thẳng, cả khi phải giải quyết xung đột bằng chiến tranh. Sự cô lập và biệt lập của các thị tộc bộ lạc cũng là điều kiện để nảy sinh sự thiếu hiểu biết lẫn nhau, vì sự thiếu tin cậy lẫn nhau là mảnh đất đẻ cho ma thuật làm hại sinh sôi nảy nở.
Tài liệu dân tộc học thế giới nói lên rằng các bộ lạc thông thường quy hành động ma thuật làm hại cho các bộ lạc khác và sinh sống ở xa họ. Những cuộc xung đột đẫm máu của thổ dân Úc thường xảy ra bất ngờ và vào đêm tối. Tính bất ngờ và bí mật, hoàn cảnh đêm tối làm cho thần kinh con người căng thẳng, càng làm cho người ta tin hơn vào hiệu năng của ma thuật làm hại và làm tăng sự sợ hãi đối với ma thuật làm hại. Người ta không biết từ đâu, lúc nào, bằng phương tiện gì, kẻ thù thực hiện ma thuật làm hại, ví dụ, phóng đến một mũi lao, mà người ta không có cách nào chống cự lại.
Theo các nhà nghiên cứu, ma thuật làm hại là một hiện tượng phổ biến rộng rãi trong tín ngưỡng các dân tộc, làm cho các dân tộc luôn sống rong sự sợ hãi. Người ta cho rằng cũng có thể thực hiện các nghi lễ ma thuật làm hại. Tuy nhiên trên thực tế, sự sợ hãi và sự thực hành ma thuật làm hại bao giờ cũng lớn hơn những hành động ma thuật làm hại diễn ra trong thực tế. Các nhà nghiên cứu cho rằng ở các thổ dân, trong khi có chuyên gia của loại hình ma thuật khác như ma thuật chữa bệnh, thì với ma thuật làm hại, không có các chuyên gia thành thạo và nổi tiếng, vì lẽ một mặt người ta sợ hãi loại ma thuật này, nhưng mặt khác, cộng đồng trừng trị rất nghiêm khắc những người thực hành ma thuật làm hại, nên không có kẻ nào mạo hiểm tự xưng mình là chuyên gia thành thạo loại ma thuật đó.
Ma thuật làm hại không chỉ tồn tại ở các xã hội nguyên thủy, mà ngay ở các xã hội có giai cấp, thậm chí ở các xã hội công nghiệp châu Âu, Các dân tộc châu Âu cũng tin rằng những dân tộc láng giềng của họ có lối sống và nền văn hóa khác biệt thì vẫn có thể thi hành ma thuật làm hại đối với họ. Ví dụ, người Nga cho rằng người Digan, người Caren thì cho rằng người Lôpa, người Lôpa thì cho rằng người Thụy Điển đều biết ma thuật làm hại và đều nguy hiểm đối với mình và dân tộc mình.
Ma thuật làm hại có một sức sống rất dai dẳng. Các nhà nghiên cứu cho rằng đến thế kỷ XVIII ở châu Âu, luật pháp vẫn còn trừng trị nặng nề kẻ thực hành hình thức ma thuật này như xử tử hình trên giàn lửa.
Một công trình nghiên cứu của V.B.Antonovich (1872) nêu bản thống kê sau: Trong 100 hồ sơ thi hành án về tội thực hành ma thuật làm hại có các hồ sơ về:
(1): Tác hại đến cuộc sống, sức khỏe người bị hại.
(2): Tác hại đến đời sống hôn nhân và gia đình
(3): Tác hại đến sản xuất kinh tế và ngành nghề thủ công
(4): Sử dụng ma thuật trong các vụ kiện tụng.
Căn cứ vào các hồ sơ tòa án nói trên, ta có thể thấy khi trong cộng đồng có người đau ốm, chết chóc, người ta không tìm căn nguyên bệnh tật một cách khoa học, mà thường cho là do bị tác động của ma thuật làm hại. Người ta thường thấy khi bị mất mùa ngũ cốc hay trồng rau bắp cải, thì đổ lỗi cho người biết ma thuật làm hại giữ không cho mưa. Về các tắc nhân của ma thuật làm hại, người ta thường cho rằng các vạt thể hình thù quái dị và hiếm thấy thường mang sức mạnh huyền bí, chứa đựng sự nguy hiểm làm hại. Về các động vật có sức mạnh làm hại, người ta thường cho đó là các con rắn hay cóc có lớp da sần sùi…. Gà mái mà gáy được, mèo đực bị thiến, sừng bò hay sừng cừu đều là những vật có thể dẫn đến nguy hại cho con người. Một vài kim loại như sắt nếu đem chôn ở ngưỡng cửa cũng có thể làm cho sức khỏe chủ nhà được tăng lên và bảo vệ chủ nhà khỏi các hành động ma thuật làm hại của kẻ thù. Đối với ma thuật làm hại, nước có thể là tác nhân bảo vệ hay gây hại.
Các bộ phận trong cơ thể con người, thức ăn thừa, các mảnh áo quần, tóc rối, móng tay, móng chân đều có thể dùng để gây hại hay ngăn ngừa ma thuật làm hại. Một túm tóc để dưới gối người nằm cũng có thể gây nguy hại cho con người. Chỉ và cọc sợi, cuộn dây thừng cũng vậy. Liên quan đến bếp lửa, một cục than, một mẩu gạch từ bếp lửa cũng có thể gây hại cho gia chủ. Ném các mẩu vật đó vào sân vườn nhà người khác cũng mang tác dụng ma thuật làm hại. Lấy mùn nhà bí mật ném sang sân người ta cũng gây hại cho người ta.
Một niềm tin phổ biến nghi ngờ có tác dụng gây ma thuật làm hại là từ con mắt xấu xa.
Giáo sư G.S.Gifford ở trường đại học Penxivani Hoa Kỳ, năm 1958 xuất bản một cuốn sách nhan đề “Con mắt xấu xa”, viết rằng từ xa xưa, ở nhiều dân tộc, người ta tin rằng mắt con người và một số động vật như rắn, sư tử, mèo, chó… có sức ma thuật siêu nhiên. Người ta tin con mắt xấu xa có thể làm cho con người và súc vật đau ốm, làm cây và hoa khô héo, làm cho vũ khí thợ săn mất tác dụng chiến đấu, làm cho bò, cừu mất sữa. Nghiên cứu các thư tịch cổ xưa, tác giả cho rằng hiện tượng con mắt xấu xa tồn tại ở người Xiri (Ainabisa), người Do Thái (Ayn-hara), người La Mã (Oculus fas Cinus), người Hy Lạp (Baskania). Ngày nay, con mắt ấy còn tồn tại ở người Ý (Mal Ochio), người Pháp (Mauvais Oeil), người Tây Ban Nha (Mal Ojo), người Đức (Bose Blick), người Hà Lan (Booze Blick), người Ba Lan (Zleoko), người Na Uy (Skjo Rtunde), người Đan Mạch (Et Ondt Ojo), người Scotlan (Crona Chadt), người Irland (Droch Shuil), người Batư (adashi), người Arménia (Paterak), người Nam Slavơ (Ypok), người Hy Lạp (Avascama), người Hung (Szem Veres), người Marốc (L’ain), người Etphiopi (Ayenat), người Nam Ấn Độ (Drishtidosham), hay người Mỹ và Anh…
Việc các dân tộc có tín ngưỡng liên quan đến con mắt là điều dễ hiểu, vì con mắt là một trong các cơ quan quan trọng nhất của con người, như có con mắt người ta mới tiếp xúc được với thế giới tự nhiên, giúp cho con người sinh tồn và phát triển. Những người có con mắt không bình thường hoặc quá to hoặc quá nhỏ, những người có con mắt màu sắc đặc biệt, kèm theo đôi lông mày quá rậm thường gây sự sợ hãi cho người khác. Có dân tộc trên thế giới, để ngăn ngừa tác hại của các con mắt xấu xa, cô dâu trong đám cưới hay phụ nữ lúc sinh đẻ có tập quán lấy lưới chài che mặt lại khi gặp người không quen biết. Thổ dân Hêbơrit, nam cũng như nữ, thường che bộ phận sinh dục để tránh các con mắt xấu. Ngày nay, phụ nữ một số dân tộc còn lấy chàng mạng che mặt cũng là do thói quen xa xưa còn rơi rớt để chống lại các con mắt xấu. Đối với người Việt nam ta, có thể tìm trong ngôn ngữ một số từ ngữ liên quan đến con mắt mà người ta không mấy thiện cảm như: Mắt bù lạch, mắt cú da lươn, mắt cú vọ, mắt dơi mày chuột, mắt đỏ như mắt cá chày, mắt lăng mày vược, mắt lỗ đáo, mắt lợn luộc, mắt như mắt rắn ráo, mắt như xát ớt, mắt to như ốc nhồi, mắt trắng môi thâm…
Ma thuật làm hại như trên đã nói, nữa là một hình thái tín ngưỡng rất xa xưa, vừa có sức sống dai dẳng khắp các châu lục, và ở mọi dân tộc trên thế giới, ngay ở cả các dân tộc đạt đến trình độ phát triển khá cao. Các dân tộc nước ta cũng không phải là ngoại lệ. Điều này, một mặt nào đó nói lên sự thống nhất của nhân loại. Ở  Việt Nam, ma thuật làm hại mang các tên gọi khác nhau. Tại Tây Bắc, phổ biến là ma cà rồng. Ở Việt Bắc phổ biến là ma lai. Hiện nay, với loại ma thuật làm hại này, trong khi ma cà rồng, ma gà cơ bản đã được thanh toán thì ma lai, dù không phổ biến như trước, nhưng vẫn tồn tại ở một số dân tộc dưới các mức độ khác nhau.
Trong các sách báo nước ta, có thể tìm mấy ma thuật làm hại đã được đề cập đến không phải một lần:
Trong công trình “Nhóm Xinh Mul” của sách “Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam”, Nguyễn Văn Huy viết về nhóm Xinh Mul như sau: “Trước ngày giải phóng, ma thuật làm hại “Plebưng” tồn tại tương đối phổ biến trong người Xinh Mul. Đồng bào tin rằng, có một số người Xinh Mul. Có thể dùng những phép thuật làm cho những người khác phải ốm đau hay chết”. Có mấy loại ma thuật như sau:
- “Băng phôn”: Loại ma thuật có tác dụng như chém vào đối phương khiến phải chết ngay.
- “Hàn hẻo”: Làm chết dần chết mòn.
- “Lắng lượt”: Làm đổ máu ở hậu môn
- “Pót Pải”: Làm đau bụng, đau ngực
- “Mít sẩy”: Làm đứt ruột.
- “Lắng nậm”: Làm khát nước, bụng trương lên.
- Để làm hại người khác, người có ma thuật dùng các biện pháp sau đây:
- Lấy que do vết chân đối phương, phù phép vào que đó, rồi bẻ gẫy đôi. Làm như thế, họ tin rằng đối phương sẽ bị đứt ruột. Có khi người ta phù phép rồi chém vết chân đối phương và coi như đã giết được.
- Một phương pháp tương đối phổ biến là lấy ít tóc hay cổ áo của đối phương nhét vào giữa củ nâu rồi nấu lên. Sau đó bí mật chôn củ nâu ấy dưới gầm nhà đối phương. Với cách làm như thế, họ tin rằng chỉ năm sáu ngày sau người kia sẽ chết.
- Khi xích mích với ai, họ thường phù phép vào ngay vật gì đã là nguyên nhân gây xích mích để làm hại đối phương. Thí dụ, khi thắc mắc về chuyện thóc, gạo, rượu, thịt, người ta tin rằng, có thể phù phép cho thóc gạo bay vào bụng người mình muốn hại, khiến người đó phải đau bụng (Đặng Nghiêm Vạn và cộng sự, 1979, tr.308-310).
Nguyễn Trúc Bình, nghiên cứu “Nhóm Kháng” ở Tây Bắc, đã viết về ma thuật làm hại: “Trước kia, đồng bào cho rằng người ta ốm đau còn do một nguyên nhân nữa là bị người khác có thù hằn với mình dùng ma thuật “hù măn” làm hại bằng cách “thổi” những hòn sỏi, hạt thóc hoặc mảnh xương, găm gỗ lạt vào thân thể người ốm. Gia đình người ốm phải mời “pả mằn da” đến để làm phù phép bằng cách xoa lá trầu không và lăn quả trứng gà vào chỗ đau của người ốm để hút những vật ấy ra” (Đặng Nghiêm Vạn và cộng sự, 1979, tr.200).
Còn đối với người Khơ-mú ở Tây Bắc, theo Đặng Nghiêm Vạn, ma thuật làm hại có những biểu hiện như sau: “Sự tin tưởng vào việc cúng lễ hay các ma thuật có thể ngăn chặn hay xua đuổi được những ma do người khác xua đến làm hại họ… trong trường hợp bị chài ếm, bị bùa mê…” (Đặng Nghiêm Vạn và cộng sự, 1979, tr.142).
Ma thuật làm hại không chỉ có ở các dân tộc thuộc khu vực lịch sử - dân tộc học Tây Bắc, mà còn ở khu vực lịch sử - dân tộc học Tây Nguyên.
Trần Mạnh Cát, trong bài viết về dân tộc Giẻ-Triêng in trong cuốn sách Các dân tộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1981, của tập thể tác giả, đề cập đến ma thuật làm hại như sau: “Trước đây, đồng bào cho rằng người ta ốm còn do một nguyên nhân nữa là bị người khác thù hằn với mình làm ma thuật để hại bằng cách thổi hoặc “bắn” những hòn sỏi, mảnh gỗ, mảnh xương lọt vào thân thể. Gia đình người ốm phải mời ngài Giàng đến phù phép vào chỗ đau để lấy vật đó ra” (Các dân tộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum, tr.267).
Đặng Nghiêm Vạn tìm hiểu ma thuật làm hại ở dân tộc Xơ-đăng có nhận xét như sau: “Sau ngày giải phóng tôn giáo tín ngưỡng đã giảm bớt… Hiện tượng ma lai (Kia po poi, mnghe niđiêng ni lăng), một thứ ma cà rồng đã bị xóa bỏ” (Các dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum, tr.234).
Bế viết Đẳng trong phần “Các quan hệ xã hội” của cuốn sách Đại cương về các dân tộc Ê-đê, Mnông ở Đắc-Lắc, có viết như sau về hiện tượng ma thuật làm hại: “Trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp ở người Ê-đê và Mnông cũng như ở các dân tộc khác của Tây Nguyên đã làm cho đồng bào tin ở nhiều thần thánh ma quỷ, trong đó đáng chú ý là ma lai. Theo quan niệm của người dân, ma lai có ở một số người và có thể biến thành những vật khác nhau rất khó nhận ra, người Ê-đê gọi là Mtao, người Mnông gọi là chiaK, hay Chà. Ma này làm hại gia súc, làm người ốm đau, có khi gây chết hàng loạt. Cho nên, những người bị nghi là ma lai đều làm cho dân buôn sợ, lánh xa, nếu phải tiếp xúc thì người ta chỉ gặp qua và cố làm cho người coi là ma lai hài lòng để tránh hậu họa. Người bị nghi có ma lai thường bị mọi người oán ghét, có khi bị giết đem bán ở những nơi xa xôi làm nô lệ” (Bế Viết Đẳng và cộng sự, 1982, tr.94-95).
Ma thuật làm hại không chỉ tồn tại trong thời cổ đại và cận đại, và được mô tả trong các cuốn sách nghiên cứu, mà còn tồn tại mãi đến ngày nay, trong thời hiện đại và được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các tờ báo hàng tuần và hàng ngày. Sau đây là một số dẫn chứng cụ thể. Trên báo “Thanh niên” số 71 (4097) ra ngày 12/3/2007 ở trang 3 có đưa tin 3 người bị đánh chết vì nghi có thuốc thư. Vụ giết người dã man đã xảy ra tại làng Dak Ya xã Dak Ya, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Đêm 10 rạng sáng 11/3/2007, 3 người (Duân, Kel-dân tộc Ba-na) và ông Hnhiên (73 tuổi, bố của Kel) bị nghi có thuốc thư nên đã bị dân làng phá nhà và giết chết. Duân bị thanh niên làng dùng cây gậy đánh đuổi, đánh cho đến chết, sau đó kéo xác bỏ tại khu vực nhà mồ của làng. Còn nhà cửa của Kel bị đập, toàn bộ đồ đạc bị phá. Họ dùng gậy cuốc, dao rựa đánh chết Kel và ông Hnhiên, đốt phá toàn bộ chòi rẫy rồi bình thản kéo nhau về nhà rông. Cũng báo Thanh niên, số 72 (4098) ngày 13/3/2007, liên tiếp đưa tin ngày 11/3, công an huyện Phong Thổ (Lai Châu) bắt khẩn cấp 4 đối tượng gồm Trang A Kho, chang A Pó, Pho A Po, Phu A Sa, cùng trú tại bản Huổi Luông, xã Huổi Luông, Phong Thổ vì đã có hành vi đánh chết anh Cao A Kỵ (ngụ cùng bản). Theo lời khai ban đầu, do nghi vợ chồng Cao A Kỵ đã làm ma chài chết đứa cháu của Kho nên những người này đã tìm cách đánh chết Kỵ.
Trên các trang báo điện tử, ta cũng có thể tìm thấy một số tin tức về ma thuật làm hại. Ví dụ:
- Ở làng Ka, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, ngày 23/2/2007, anh Kpà Hyok (anh em cột chèo với Kpa Vel) trong lúc cuốc đất làm rẫy tìm thấy một củ lạ trong rẫy  nhà Kpa Vel. Người làng cho đó là thuốc thư. Do bị đánh đập, anh về vườn nhà đào một ụ mối, tìm thấy một củ nhỏ cây rừng, không biết là củ gì, người làng khẳng định đó là thuốc thư. Ông Vel bị dân làng đánh đập, sau đó chết. Tên Kpa, Vel, Kpa, Hyok và Kpui Tae cầm đầu kích động bà con đã bị công an Gia Lai bắt ngay sau đó.
- Cũng trong những ngày đầu năm 2007, tại làng Tào Róng, xã Dun (cạnh xã Ia Tiêm) Chư Sê, Siu Peng 50 tuổi, nguyên là già làng Tào Rông, mỗi khi uống rượu say thường lẩm nhẩm mình làm được thuốc thư. Nghe vậy, dân làng vừa khiếp sợ, vừa căm ghét. Siu Nhiên học sinh lớp 9 trường trung học cơ sở Nguyễn Du một lần trên đường đi học về gặp, nói chuyện với ông Siu Peng, sau đó về đau bụng vật vã. Trong giấc mơ Siu Nhiên thấy Siu Peng bỏ thuốc thư vào người mình. Siu Nhiên kể lại cho bố là ông Rơ Lan Tiêu. Gia đình đã không đưa Siu Nhiên đi bệnh viện khám, mà sang cãi nhau với Siu Peng, khi về thì Siu Nhiên đã chết.
Theo luật tục Gia Lai, để phân rõ đúng sai, Rơ Lan Tiêu và Siu Peng thi lặn nước. Siu Peng vì già yếu, phải nổi lên trước. Dân làng định lôi lên trị tội con ma lai già Siu Peng nhưng đợi mãi không thấy người thắng cuộc nổi lên, trai làng xuống nước tìm thì Rơ Lan Tiêu đã chết (Tin của tác giả Lê Quang Hợi).
Viết về ma thuật làm hại trong thời gian gần đây có lẽ công phu và phong phú hơn cả là phóng sự dự thi của Tường Linh với tựa đề: Ma thuật làm hại nỗi kinh hoàng ở miền Trung Tây Nguyên, đăng trên báo “An ninh thế giới”, ra ngày 30/5/2002.
Trong bài phóng sự ấy, tác giả đề cập các vấn đề sau:
1. Phương pháp luyện độc và thủ thuật thực hành ma thuật làm hại.
Tác giả cho biết người Ba-na tại Gia Lai, Kon Tum, miền Tây Bình Định, Phú Yên luyện bgang, matrốp từ xương người. Ông Đình Lênh (90 tuổi) ở xã Sitơ (Kbang, Gia Lai), chủ nhân bgang, matrôp là đàn ông độc thân, từ nhỏ sống cách biệt làng bản. Để làm bgang, matrop, phải đi tìm hộp sọ, xương bàn tay, chân của thai nhi chết lưu, giấu khe núi 3 tháng 10 ngày, cúng để ma rừng nhập vào ché chứa sọ. Người có matrôp làm hình nộm đặt cạnh ché, nhảy múa, gọi tên địch thủ, lấy lá độc đập vào hình nộm.
Người Hrê ở Tây Quảng Ngãi, huyện An Lão (Bình Định), huyện Kon Plong (Kon Tim) dùng phép luyện độc, kiêng không ăn thịt tươi, không gần đàn bà, không tắm nước lạnh. Ở huyện Sơn Tây (Quang Ngãi), ngời Hrê đi tìm râu hổ già, lấy 9 râu, ngâm lá ngón 3 tháng, dùng mũ cây hơnia tẩm râu, cắm râu xuống phân hổ trộn bùn đựng trong 2 ché. Hàng đêm cúng sâu độc (sau khi tiếng vượn hú lần hai), một tháng cho vào ché một con gà trống để sâu có thức ăn. Cứ 3-4 năm như vậy, râu hổ bị phân rã, sinh loài cây có 5 lá, gọi cây bọ ghẹt. Sâu ăn lá bọ ghẹt, sâu là thuốc độc cực mạnh, người Kinh gọi là càm đồ thuốc độc. Nếu bỏ vào đó đồ ăn uống, tư trang của người bị hại thì người ấy sẽ phát bệnh và bệnh tình không chữa được.
Trong hàng ngàn người luyện bọ ghẹt chỉ 1,2 người thành công, nhìn con thú là bắt được thú. Sau khi thành công, người đó sống kiếp càhin (nửa người nửa thú) lang thang trong rừng. Bọ ghẹt chết thì người ấy cũng mất hết sức lực.
Bgang, matrop là biến tướng của ma lai ma người sống). Người có ma lai dùng thủ thuật: phù phép vào xương gà, gọi tên địch thủ, phóng xương gà về phía địch thủ, giết gà cúng, chặt máu gà chảy vào quan tài nhỏ, gọi tên người muốn giết hại, chôn quan tài xuống đất, bỏ lên bè cho trôi nước, như thầy cúng gọi âm binh tà ma… Người bị hại đau bụng, nhức gân, lở thịt, thối da, lở bụng.
2. Thái độ của dân buôn làng đối với người dùng ma thuật làm hại.
Người Ba-na, Hrê, Cor, Cadong căm người sử dụng ma thuật. Dân buôn làng xử tử, phạt vạ đuổi khỏi làng người có ma lai cầm đồ. Ở Quảng Ngãi, dân phòng ngừa, không nói, không nghe, không biết, bỏ qua khách lạ. Người hay rủa người khác cũng bị quy là có ma lai. Người ta ngủ mơ thấy người hàng xóm hại thì cho người đó có ma lai. Thử người có ma lai bằng cách lặn nước, giải oan, chặt đầu gà, đổ chì vào lòng bàn tay. Trị người có ma lại phổ biến là xử tử, chôn sống.
Ở An Lão (Bình Định) trong 10 năm (1990-2000) có 38 người bị nghi là cầm đồ thuốc độc, cả 38 người này bị đánh đập dã man, phạt vạ, Kết quả là có 3 người chết, 1 người trốn khỏi làng.
Ở Quảng Ngãi trong 3 năm (1990-2003), tại 4 huyện người Cor, Cadong sinh sống, có 16 vụ giết người do nghi ma lai cầm đồ. Ở huyện Ba Tơ, từ đầu năm đến tháng 5 năm 2002, có 2 vụ giết người, do nghi cầm đồ thuốc độc.
Hai bà Phạm Thị Hói và Phạm Thị Lan (Tập đoàn 1, thôn Vũ Nhai, thị trấn Ba Tơ), sống cách biệt bị trói gô ở bìa rừng, chuẩn bị thiêu sống, được công an giải vây, bị phạt vạ 50kg rượu, 1 tạ gạo, 50.000 đồng
Ông Phạm Văn Bằng, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ đe dọa hàng xóm: “Thằng đó đau, tao cho chết luôn”. Sau người đó ốm thật, nên ông bị dân đánh suýt chết. Chính quyền xã cứu, ông bị phạt vạ 1 trâu to, 6 triệu đồng cúng Giàng.
3. Nguồn gốc của ma lai
Tác giả bài phóng sự nêu lên suy nghĩ rằng ma lai là lỗi của lạc hậu, mê tín, nghèo đói. Người bị nghi là ma lai do kẻ chủ mưu có bị ngồi tù thì cả làng cưu mang gia đình. Uống rượu nói linh tinh cũng là một nguyên nhân dẫn đến nghi ma lai.
Từ những vấn đề được nêu ở trên, có thể nêu mấy nét khái quát để kết thúc bài nghiên cứu nhỏ này như sau:
1. Ma thuật là một hình thái tôn giáo - tín ngưỡng nguyên thủy, sơ khai vào loại cổ xưa nhất của loài người, xuất hiện trong xã hội nguyên thủy, hình thái kinh tế - xã hội đầu tiên của loài người. Là một hình thái tín ngưỡng, nó không có thật, mà chỉ là do sự tưởng tượng của con người tạo nên.
Con người nguyên thủy trong điều kiện đời sống vật chất có nhiều thiếu thốn, đời sống tinh thần – văn hóa, dân trí thấp nên tin rằng con người trong những điều kiện đặc biệt nào đấy có một sức mạnh thiên nhiên, và có thể sử dụng sức mạnh thiên nhiên đó, tức ma thuật để làm lợi cho con người, giúp con người tồn tại và phát triển.
2. Ma thuật đen là loại ma thuật dữ, dùng sức mạnh siêu nhiên của ma quỷ để làm hại cho con người. Ma thuật trắng là loại ma thuật lành, dùng sức mạnh siêu nhiên của thần thánh để làm lợi cho con người. Trong khi ma thuật trắng (bao gồm các loại: ma thuật mưu sinh, ma thuật chữa bênh, mà thuật tình yêu, ma thuật chiến tranh) có các chuyên gia giỏi, nổi tiếng dưới dạng thầy cúng, thầy lang, thầy mo, đấng cứu thế…. Có thể dùng ma thuật để gây bệnh và chữa bệnh. Còn ma thuật làm hại không có chuyên gia. Người ta tin rằng ai cũng có thể có ma thuật làm hại, nhất là đối với người lạ ở xa mình. Người ta tin rằng ai bị tác động của ma thuật làm hại tất không tránh khỏi cái chết.
3. Ma thuật phát sinh từ xã hội nguyên thủy. Nhưng khi điều kiện kinh tế - xã hội sinh ra nó mất đi, thì nó vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng, dưới dạng tàn dư hay được biến dạng. Điều này nói lên vị trí độc lập tương đối của thượng tầng kiến trúc đối với hạ tầng cơ sở. Trong khi dưới xã hội nguyên thủy sự thể hiện của nó là đa dạng và phong phú, thì ở các hình thái kinh tế - xã hội muộn hơn, tác động của nó bị thu hẹp lại nhiều. Nhưng có thể thấy rằng ma thuật tồn tại, ở các hình thái tôn giáo của xã hội không có giai cấp và có giai cấp, trong tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy và trong tôn giáo tín ngưỡng dân tộc, khu vực và thế giới. Ở Phật giáo chẳng hạn, nó tồn tại dưới dạng tụng kinh, niệm Phật, đọc lời chú, tẩy nước cam lồ… Ở Đạo giáo dưới dạng vẻ bùa niệm chú, triệu âm binh. Ở Kitô giáo, dưới dạng đeo chữ thập, như bùa hộ mệnh chống lại ác quỷ, bảo vệ con người….
4. Ma thuật làm hại thường sử dụng các thủ thuật: thư, chài, yểm bùa, phù phép, luyện độc bằng xương người, xương thú, râu thú, các loại lá cây, rễ cây. Nét nổi bật của ma thuật làm hại là sự nghi ngờ. Người bị hại thường vin vào cớ nào đó để nghi thủ phạm hại mình, nhưng không bao giờ tìm được dẫn chứng đích xác, có sức thuyết phục. Người ta vin vào câu nói của người lúc say rượu, người ta vin vào con người hại mình trong giấc mộng, thậm chí vin vào một câu nói đùa vui. Không ít trường hợp bị rơi vào âm mưu của một số người có chủ mưu, vu oan cho người khác đã trả thù cá nhân hay dòng họ. Không loại trừ khả năng có kẻ thù địch với chế độ ta, lấy việc phao tin ma lai làm biện pháp để mất ổn định chính trị ở vùng dân tộc. Cũng có khi quy độc cho kẻ có ma thuật làm hại bằng các biện pháp thử thách như lặn nước, ai nổi lên trước là có ma lai, hay gặp may rủi, như nướng khoai sọ, khoai của ai chưa chín là có ma lai….
5. Vì ma lai gây nỗi kinh hoàng trong buôn làng, nên dân làng rất căm thù ma lai. Người bị nghi có ma lai sẽ bị đánh đập tàn nhẫn, nhà cửa bị tàn phá,nương rẫy bị san bằng, vợ chồng con cái phải vạ lây, có khi bị thương tật, chết chóc và bị phạt nặng nề, không hiếm trường hợp bị đuổi khỏi buôn làng. Dưới xã hội nguyên thủy, những người này bị đuổi ra khỏi buôn làng, sống cô độc trong rừng cũng có nghĩa như bị xử tử.
6. Trong các hình thái ma thuật, ma thuật làm hại có tác dụng tiêu cực nhất đối với cộng đồng dân cư. Nó là tác nhân gây nên sự sợ hãi thường trực trong buôn làng. Nó làm cho buôn làng mất trật tự trị an, mất đoàn kết nội bộ; làm cho sản xuất và đời sống văn hóa buôn làng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thể nói rằng trong các hình thái tôn giáo - tín ngưỡng hiện nay ở các dân tộc, ma thuật làm hại là một mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với vấn đề dân tộc và phát triển.
7. Về ma thuật làm hại ở nước ta, trong khi ở Tây Bắc là ma cà rồng, Việt Bắc là ma gà, trong những điều kiện kinh tế- xã hội mới đã cơ bản bị xóa bỏ, thời ở Trường Sơn - Tây Nguyên, ma lai so với trước kia tuy mờ nhạt đi nhiều, nhưng ở một số dân tộc vẫn còn tiếp tục tồn tại dai dẳng, với các mức độ khác nhau. Một số dẫn chứng nêu trên đã nói lên phần nào tác hại của nó.
Mọi người đều biết tôn giáo – tín ngưỡng phát sinh và tồn tại là do hai nguồn gốc: Nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội. Nguồn gốc nhận thức làm nảy sinh ma thuật làm hại là do trình độ dân trí, sự hiểu biết về khoa học – kỹ thuật còn hạn chế của con người…. Nguồn gốc xã hội làm nảy sinh ma thuật làm hại là nghèo đói, bệnh tật, mê tín. Đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần – văn hóa thấp, ốm đau, bệnh tật, thiên tai, địch họa, dịch bệnh… là những tác nhân làm cho con người phải đến với tín ngưỡng – tôn giáo, mong sao cho thần thánh phù hộ, che chở cho mình khỏi các thế lực ma quỷ, và sống một cuộc đời hạnh phúc, ấm no. Và như vậy, ma thuật làm hại chỉ có thể khắc trong quá trình giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu là dân tộc và phát triển, với sự thành công của sự nghiệp đổi mới của đất nước, theo đường lối của Đảng và Nhà nước ta.
8. Nói như vậy không phải bây giờ ta chờ cho ma thuật làm hại tự mất đi, mà phải có một hệ thống biện pháp liên hoàn để từng bước khắc phục nó.
a. Biện pháp cơ bản, có tính chất bao trùm là thực hiện thật tốt vấn đề dân tộc và phát triển, chính sách dân tộc với các nguyên tắc cơ bản của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước ta là Bình đẳng - đoàn kết - Tôn trọng lẫn nhau, giúp nhau cùng phát triển; làm cho ở vùng dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mở mang giáo dục - dân trí, chăm sóc y tế cộng đồng, đời sống tinh thần - văn hóa được nâng cao; khối đoàn kết dân tộc keo sơn được tăng cường; hệ thống chính trị cấp cơ sở củng cố vững mạnh; chỉ số phát triển con người HDI được nâng cao từng bước….
b. Chăm lo không mệt mỏi vấn đề nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân vùng dân tộc, làm cho đồng bào hiểu rõ nguồn gốc của tôn giáo - tín ngưỡng, nguyên nhân nảy sinh của ma thuật làm hại, đề cao tình làng nghĩa xóm, tinh thần đồng bào ruột thịt, cảnh giác và vạch trần âm mưu thủ đoạn, kẻ thù vu oan giá họa, gây nghi ngờ, sợ hãi về ma lai. Làm cho đồng bào thấy rõ tác hại nhiều mặt nghiêm trọng của ma lai đối với cuộc sống của bản thân dân tộc. Trong vấn đề tuyên truyền giáo dục, cần thực hiện tốt chính sách dân vận, phương pháp vận động quần chúng của Đảng, phát huy vai trò đồng bộ của hệ thống chính trị cấp cơ sở, đặc biệt vai trò của tầng lớp già làng, trường bản, vận dụng luật tục để hỗ trợ cho luật pháp Nhà nước, giải quyết vấn đề ma lai.
c. Khi phát hiện nơi nào có tin đồn về sự tồn tại của ma lai, thì khẩn trương đến tại chỗ, dựa vào dân, điều tra nghiên cứ, tìm nguyên nhân chính xác, cụ thể để giải quyết. Phải kiên trì, nhẫn nại, khẩn trương nhưng không nôn nóng. Phải kết hợp các biện pháp tuyên truyền, vận động giáo dục và các biện pháp giáo dục là chính. Với kẻ có âm mưu xấu, phá hoại sự đoàn kết cộng đồng thì cương quyết xử lý theo luật pháp, trên cơ sở sự đồng tình ủng hộ của dân làng. Nên ý thức rằng tôn giáo - tín ngưỡng có một đặc điểm là tồn tại dai dẳng. Nếu nơi nào đó sự việc được giải quyết, thì chưa phải vấn đề sẽ không xảy ra nữa, mà nó chỉ lắng êm một thời gian, khi có điều kiện sẽ bùng phát trở lại. Cũng cần ý thức thường trực kẻ địch thường lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo chống lại chế độ ta, nên ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng, đừng để xảy ra sơ hở khi giải quyết vấn đề, để địch lợi dụng tuyên truyền chống lại ta.
d. Trong việc giải quyết ma thuật làm hại, cũng như với một số vấn đề khác liên quan đến dân tộc và tôn giáo, cần có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng: Một mặt đó là cơ quan các cấp của Đảng và Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc quản lý vấn đề dân tộc và tôn giáo; mặt khác các viện nghiên cứu khoa học, các trường Đại học và Cao đẳng, các hội, các tổ chức, xã hội nghề nghiệp, với các đội ngũ cán bộ chính trị, khoa học giáo dục, quản lý chuyên ngành, liên ngành. Các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng cũng sẽ góp phần rất hữu hiệu để khắc phục loại hình ma thuật đặc biệt nguy hại cho con người và xã hội này.


Tài liệu tham khảo
1. Các dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum (1981), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Bế Viết Đẳng và cộng sự (1982), Đại cương về các dân tộc Ê-đê, Mnông ở Đắc -  Lắc, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Gifford, E.S (1958), The evil eye, New York.
4. Panoff, M. (1973), M.Perin. Dictionnaire de l’ Ethnologic. Paris.
5. Tôcarep, S.A (1976), Tôn giáo và nguồn gốc ma thuật, Liên Xô.
6. Tô carep, S.A.(1959), Bản chất và nguồn gốc ma thuật, Liên Xô.
7. Đặng Nghiêm Vạn và cộng sự (1979), Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
8. Antonovich, V.B.(1872), Yêu thuật, Xanh Pêtecbua (Tiếng Nga).
Phan Hữu Dật

No comments:

Post a Comment