Total Pageviews

26.11.12

GS Phan Hữu Dật tặng 1.500 cuốn sách quí cho giảng viên, sinh viên


Một bộ sưu tập phong phú, đa dạng gồm 1.500 cuốn sách, tạp chí, tài liệu quí cùng nhiều luận án, báo cáo khoa học... vừa được GS Phan Hữu Dật - một nhà khoa học đầu ngành dân tộc học của VN - tặng khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHQG Hà Nội).

Đây là toàn bộ số sách vở, tài liệu mà ông đã dày công tích lũy, sưu tập suốt 50 năm qua.
Theo đánh giá của cán bộ giảng viên khoa lịch sử, bộ sưu tập của GS Phan Hữu Dật là một kho tài liệu quí đối với công tác đào tạo và nghiên cứu của khoa, mà trực tiếp là bộ môn nhân học.

THANH HÀ
tuoitre.vn
...................

Vài nét về tiểu sử của GS. Phan Hữu Dật:

GS. Phan Hữu Dật sinh ra và lớn lên tại làng Thanh Lương, bên dòng sông Bồ, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và truyền thống hiếu học. Năm 17 tuổi, ông tham dự cuộc mít tinh trước Ngọ Môn và tuần hành trên đường phố Huế trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau một thời gian ngắn làm việc tại Ty Thông tin - Tuyên truyền tỉnh Quảng Trị, duyên nghiệp nhà giáo đã gắn bó với ông bắt đầu từ trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu. Năm 1947, tại chiến khu Ba Lòng, ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Một năm sau khi hoà bình lập lại, ông được cử đi học đại học và sau đó học nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Dân tộc học ở nước Nga. Từ năm 1964, GS. Phan Hữu Dật về công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành một trong những người đầu tiên xây đắp nền móng cho Bộ môn Dân tộc học ở Khoa Lịch sử nói riêng và ngành Dân tộc học Việt Nam nói chung.

 Trên cương vị nhà giáo, nhà khoa học, ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân và thạc sỹ, tiến sỹ ngành Dân tộc học, Sử học. Ông là nhà khoa học đầu tiên viết giáo trình Cơ sở Dân tộc học để giảng dạy trong các trường đại học Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Phan Hữu Dật đã trở thành một trong những nhà khoa học đầu ngành về Dân tộc học Việt Nam. Trên 100 công trình nghiên cứu đã được công bố của ông đề cập đến những vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu tộc người và văn hoá tộc người, mà công trình nào cũng sâu sắc về mặt lý luận, có tính nguyên tắc về mặt tư tưởng và có ý nghĩa thực tiễn. Đặc biệt, công trình “Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam” của GS. đã được giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005.

GS. Phan Hữu Dật còn là một nhà tổ chức và quản lý giáo dục tâm huyết và tài năng. Ông đã từng là Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; tham gia Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1977, ông được cử giữ vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, quyền Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến năm 1988. Kế nhiệm GS. Nguỵ Như Kon Tum, trong bối cảnh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hiệu trưởng Phan Hữu Dật đã cùng tập thể Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đứng mũi chịu sào, chủ động giải quyết khó khăn, từng bước đưa Nhà trường ổn định và phát triển, làm cho cái tên Đại học Tổng hợp trở thành một trong những địa chỉ giáo dục uy tín cả trong và ngoài nước. GS. Phan Hữu Dật còn được phong GS danh dự của Đại học tổng hợp Maxcơva danh tiếng, là thành viên của Hiệp hội các trường đại học thế giới, là Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiểu sử Hoa Kỳ. Tên ông có trong từ điển “Who’s Who” của nước Mỹ.

Hà - Tuấn
ĐHQGHN









                                                                     


23.11.12

CÂY CHU ĐỒNG TRONG THẦN THOẠI MƯỜNG VÀ TÔ TEM CÂY TRONG TÍN NGƯỠNG CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC Ở NƯỚC TA


Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nếu như người Ấn Độ cho rằng những gì không có trong sử thi Mahabharata và Ramayana thì không thể tìm thấy trong cuộc sống của họ, ta cũng có thể nghĩ rằng không thể biết được đất nước, con người cùng với lịch sử, văn hoá, thần thoại, v.v… của dân tộc Mường nếu không đọc sử thi Đẻ đất đẻ nước.


I. Cây chu đồng trong thần thoại Mường
Thật vậy Đẻ đất đẻ nước là một nguồn tài liệu vô giá, phong phú và đa dạng về dân tộc Mường, đòi hỏi phải dày công nghiên cứu hơn nữa, vì nó chứa đựng không biết bao nhiêu là ẩn số và để giải mã không biết bao nhiêu là vấn đề còn chưa được sáng tỏ không chỉ của dân tộc Mường mà còn của không ít các dân tộc nước ta, của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

 Khi tiếp xúc với áng văn học dân gian đồ sộ này, từ lần đầu cho tới các lần sau, hình tượng cây si và cây chu đồng đã cuốn hút tôi một cách mạnh mẽ.

 Trong cuốn Mo, sử thi và thần thoại dân tộc Mường, do Vương Anh chủ biên, có ghi rằng: “Sau khi trời hạn, mưa xuống, trong vũ trụ mọc ra một cây si um tùm. Những con sâu hóc sâu hà đục cây làm cho cây si bị ngã. Mỗi cành si rơi xuống tạo ra một mường, có 1919 cành sinh ra 1919 mường. Cũng từ cây si sinh ra mụ Dạ Dần, mụ sinh ra 2 con kết duyên với 2 nàng tiên đẻ ra 10 con, con út là trống chim Tùng, mái chim Tót, đẻ ra trứng chiếng, trứng nở thành người”(1). Vậy là theo các trang của thần thoại Mường, sau khi chứng kiến cảnh đẻ đất, đẻ nước, đẻ mường, bây giờ đến cảnh đẻ người, từ cây si.

 Trong 28 chương của Đẻ đất đẻ nước, chuyện cây si chiếm 3 chương, còn chuyện cây chu đồng thì chiếm những 6 chương.

 So với cây si chuyện cây chu đồng phong phú hơn, đa dạng hơn, hoành tráng hơn và làm cho người đọc sảng khoái gấp bội.

 Trong sử thi nói rằng, lúc đầu người Mường dựng nhà bằng loại thảo (cỏ). Sau nhờ rùa vàng mách bảo, làm nhà theo hình rùa, nghĩa là làm nhà sàn với loài mộc nên vững chắc hơn. Muốn làm nhà sàn, phải có gỗ cây to, nhất là để dựng cột gốc, cột cái. Nhờ đàn kiến bày cho, nhà lang biết có cây chu là nguồn gốc nên giàu nên có, cây chu tà lá chu đồng, bông thau quả thiếc. Lang sai một người đày tớ là Tặm Tạch đi tìm, nhờ đười ươi và chim vàng anh, nên Tặm Tạch đã tìm được. Lang đem quân và dân mường đi chặt cây chu. Lấy lưỡi rìu to bằng ván thuyền mà chặt. Chặt cả ngày cây không đổ. Hôm sau, chỗ bị chặt bữa qua đã tự hàn lại. Đứa hầu ngủ lại canh giữ, nói rằng: Nửa đêm, nghe đàn ma van rối rít, ma khóc hu hu trên cây. Khi chặt được rồi, cả mường hò nhau kéo chu, chu chẳng chuyển. Ông bói mới nói: Ma cây chu đòi ăn gạo, ăn mật, ăn phổi thằng Tặm Tạch, đòi lấy đầu lâu nó rạch làm mõ, lấy xương nó thay gỗ làm đà. Thế là Tặm Tạch bị hiến sinh. Khi kéo về, cây chu lăn xuống vụng. Đầu hoá cá ké, gốc hoá cá căn. Nhờ rái cá, mới cột được cây chu và kéo về mường… Khi dựng nhà đào 36 lỗ, dựng chẳng nên, phải giết 5 trâu đen, 5 trâu bạc, cúng ma tổ, ma núi, ma cây si. Dựng nhà xong, mở tiệc ăn mừng. Hai con của Tặm Tạch vào xin ăn bị xua đuổi. Tức giận chúng buộc rơm và lửa vào đuôi mèo thả vào nhà chu, làm nhà chu cháy sạch. Lang đuổi bắt, chúng trốn vào gốc cây si. Nhà Lang chặt cây si, máu 2 đứa chảy ra biến thành thú dữ, ghê gớm nhất là con Moong Lồ. Nhà Lang săn bắt được. Dân mường xẻ thịt chia nhau ăn, bắt chước màu sắc ở da con thú để dệt vải. Thịt Moong Lồ rơi vãi, chó ăn phải điên, xác chó vứt xuống sông, cá, quạ ăn cũng hoá điên. Nhà Lang phải săn bắt, cuối cùng tiêu diệt được. Cuộc sống của bản mường mới trở nên yên vui.

 Trong Lời giới thiệu rất công phu cuốn sách nói trên, Phan Đăng Nhật cho rằng: Hình tượng cây chu đồng đánh dấu sự ra đời của kim loại, sự xuất hiện giai cấp và cùng với nó là những bi kịch xã hội, như Ăngghen đã viết trong “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước”. Có thể là như thế. Nhưng ở đây, tôi suy nghĩ theo một hướng khác. Hướng này đã được đề cập trong lời giải thích cuốn sách, như sau: “Chu là cây dâu gia đất. Nhưng ở đây nghĩa là cội nguồn của cây rừng, tượng trưng cho sự thịnh vượng. Cây chu là cây thần, tượng trưng cho sự tôn kính, cây lâu năm đã được coi như con người”(2). Đó là những ý kiến rất có giá trị, không phải ai tiếp xúc với Đẻ đất, đẻ nước cũng có được, nhất là tư tưởng “cây được coi như con người”. Hướng suy nghĩ như vậy là rất đúng, nhưng tiếc thay, không được phát triển xa hơn nữa, để đến cội nguồn của vấn đề, mà dừng lại nửa chừng. ý tôi muốn nói phải gắn vấn đề với tôtem cây. Chỉ có như vậy, về nguồn gốc nhận thức, mới được sáng tỏ.

 II. Tôtem cây trong tín ngưỡng của một số dân tộc ở nước ta

Từ cây chu đồng trong thần thoại Mường, sự tìm hiểu đã dẫn dắt ta đến tôtem giáo. Tôtem giáo ở đây thể hiện ở tôtem cây, một loại cây mộc, chứ không phải loại cây thảo. Như vậy sự tìm hiểu của chúng ta sẽ hạn chế trong một lĩnh vực nhỏ hẹp là tôtem cây to trong các công trình kiến trúc lớn, trước hết là nhà ở, được sử dụng làm cột cái, cột gốc để kéo dài độ bền vững của ngôi nhà.

 Trước khi nêu lên các dấu vết của tôtem cây trong tín ngưỡng một số dân tộc nước ta, thiết tưởng cần thiết phải nêu lên những đặc điểm chủ yếu của cây chu đồng với tư cách là tôtem cây, như đã được mô tả trong sử thi Đẻ đất đẻ nước.

1- Cây chu là một cây cổ thụ, lâu năm, cành lá xum xuê ở xa nơi con người cư trú. Muốn tìm nó phải vượt sông suối, núi non, nghĩa là cây ở trong khu rừng cấm. Muốn lấy gỗ của nó phải sử dụng lực lượng của cả bản mường trong nhiều ngày.

 2- Cây chu là nguồn gốc của sự thịnh vượng, nên giàu nên có, nhưng không phải dễ dàng đốn chặt. Phải dùng rìu to (lưỡi như ván thuyền). Phải luân phiên mà chặt. Chặt lâu vẫn không ngã, qua đêm chỗ bị chặt liền lại như cũ.

 3- Cây chu có hồn. Hồn cư ngụ trong cây. Khi bị chặt, ban đêm hồn cây van rối rít, khóc hu hu.

 4- Khi chặt ngã cây rồi, cây vẫn không chịu cho người kéo về mường. Phải giết người sống, làm lễ hiến sinh, thế mạng. Nhưng giữa đường thì vùng lăn xuống nước. Đầu gốc hoá cá. Khi bị đốn ngã, hồn cây hoá ma, ma khóc la ầm ầm như sấm động trên đường bị kéo về mường.

 5- Khi Lang làm nhà, đào hố chôn cột, cột không đứng vững, phải hiến sinh 5 trâu trắng, 5 trâu đen cúng ma cây, mới dựng được cột làm nhà.

 6- Khi làm nhà xong, do chủ nhà đối xử tồi tệ với hai con kẻ bị hiến sinh, nên chúng đốt nhà chu, khi bị Lang lùng bắt, chúng trốn vào gốc cây si, khi Lang đốt cây si thì máu hai trẻ biến thành thú dữ, nhất là con Moong Lồ, tàn phá bản mường.

 7- Lang săn bắt được thú dữ. Dân mường xẻ thịt chia nhau ăn. Đây là cảnh ăn thịt con tôtem với sự tiến hành những nghi lễ nhất định, và con người bắt chước màu sắc da con tôtem để dệt vải mà mặc.

 8- Tôtem tiếp tục trả thù do con người vi phạm cấm kị. Thịt Moong Lồ rơi rớt, chó ăn phải điên, cá, quạ ăn cũng hoá điên. Lang phải vất vả mới diệt được, v.v…

 Nhìn lại tín ngưỡng các dân tộc nước ta, liên quan riêng đến tôtem – cây, ta có thể nêu lên mấy nét như sau:

 1. Niềm tin về nguồn gốc dòng họ dân tộc, nguồn gốc loài người từ cây

Theo truyền thuyết của dân tộc Hmông nước ta, thời xa xưa, sau đại nạn hồng thuỷ, chỉ còn lại hai anh em ruột. Vì loài người chết hết, nên họ buộc phải lấy nhau. Kết quả của cuộc hôn nhân là người vợ sinh ra một cục thịt. Người chồng cắt ra thành nhiều lát nhỏ, cứ mỗi lát thịt thì treo lên một cành cây. Lát thịt treo trên cành cây Đào sinh ra họ Thào, cây Lý sinh ra họ Lý, trên cây Dương sinh ra họ Dương, v.v… Cứ như thế thành ra dân tộc Hmông và các dân tộc khác ngày nay ở nước ta.

 Dân tộc Giẻ – Triêng có họ Tavác (cây to như cây đa), họ Dé (loại cây to, nhựa cây màu đỏ).

 Nếu ta mở rộng ra, kể cả các loại thảo, nghĩa là không phải cây to, thì có nhiều tài liệu hơn nữa. Ví dụ, người Khmú có họ Tvạ (Dương xỉ, cây guột, rau dớn),  họ Ưrr (tỏi), v.v…

Điểm qua các họ của người Kinh, mặc dù so với các dân tộc anh em, người Kinh đã có một bề dày đáng kể về quá trình phát triển kinh tế – xã hội – văn hoá, nhưng lần sâu về cội nguồn các họ, biết đâu ta sẽ gặp được dấu vết của tôtem cây ở các họ: Đào, Mai, Lê, Dương, Lý, Lâm, Diệp, v.v… Trong Lĩnh nam chích quái có truyện cây cau. Chuyện kể rằng người em trai, vì người anh sau khi lấy vợ có lúc lạt lẽo với mình, nên bỏ đi, giữa rừng gặp suối sâu không qua được, khóc mà chết, hoá thành cây (cau) mọc ở cửa sông, còn người vợ đi tìm chồng, vì đi tìm em đã hoá đá, chết theo chồng, hoá thành cây leo (trầu)(3). Về chuyện người hoá cây này, ta có thể suy nghĩ gì về dấu vết của tôtem giáo ở dân tộc ta?

 2. Niềm tin vào sự thịnh vượng, vào sự trường tồn, vào sức sống mãnh liệt của gia đình, dòng họ mình như cây tôtem

Trong các dân tộc ở nước ta, đa số cũng như thiểu số, niềm tin này gởi gắm vào hai cây tiêu biểu là cây đa (Ficus Bengla – lensis), cây si, biểu tượng của sự trường tồn và cây gạo (cây bông gòn - Bombex Ceiba), biểu tượng sức sống mãnh liệt của cộng đồng.

Dân tộc Ba Na, theo Đặng Nghiêm Vạn, khi mới dựng nhà, thường phải cúng một lần thật to, với nghi thức phức tạp, trong đó lễ đâm trâu và trồng cây gạo là trung tâm của lễ. Đây là lễ nghi nhằm cầu mong gia đình được thần bản mệnh phù hộ và được tràn đầy sức sống như cây gạo mọc nhanh lớn khoẻ(4).

 Dân tộc Xơ Đăng trong tục ăn trâu (capô), để cầu xin sự yên lành, may mắn, “cột đâm trâu của họ thường là cây bông gòn (cây gạo), được trang trí rất đẹp, trên cây có hình tượng mặt trăng ngày rằm, tượng trưng cho sự trong sáng tốt lành của đời sống con người. Họ dùng cây gạo không ngoài ý nghĩa mong sức sống của làng, của nóc, của cá nhân, được mãnh liệt như cây gạo(5).

 Về hình tượng cây đa, cây si và cây gạo mang lại sự trường tồn và sức sống mãnh liệt cho con người, ta thấy rằng ở các dân tộc thiểu số nước ta ngày nay vẫn còn được duy trì, trong khi với người Kinh, hình tượng cây gạo không còn mang tính linh thiêng như xưa nữa, trong khi cây đa vẫn còn là đối tượng thờ cúng. ở nông thôn người Kinh ngay cả trong thành phố nữa, gốc đa thường được thiết lập bàn thờ, và các tầng lớp nhân dân, nhất là các bà cụ già thường xuyên đến lễ bái.

 3. Cây tôtem báo trước cho con người những sự tốt lành, và mang đến cho con người hạnh phúc

Danh nhân nước ta Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tuỳ bút, ở chuyện Điềm cây đa, có viết rằng, ở miếu thần của làng có cây đa to, khi nào trong làng có người đỗ đại khoa thì cành đa tự nhiên mọc ra một cái rễ nhỏ vòng quanh thân cây như là đeo đai vậy. Năm Nhâm Thìn (1772) đời Cảnh Hưng, cây đa lại mọc đai, nhưng chỉ vòng quanh được đến nửa thân. Khoa ấy có Võ Tôn Hương đỗ. Võ công (tức Võ Tôn Hương) nguyên họ Đào, tổ tiên ở làng Cổ Bi, huyện Gia Lâm, sau đến ngụ ở làng kể đến đời ông nội được ba bốn đời. Làng Cổ Bi cũng có một cây gạo to, trong làng ai thi đỗ thì cây gạo mới nở hoa. Năm Nhâm Thìn cây gạo ấy cũng nẩy hoa. Vì không am hiểu tôtem giáo, nên kết thúc câu chuyện, Phạm Đình Hổ mới thốt lên: “Ôi! Đó là loài cây cỏ vô tri mà còn báo tin không sai, thế thì cũng lạ thay”(6).  Nếu ta nhận thức theo tôtem giáo, cây cũng như người, cây cũng là người, thì chuyện báo tin lành đó, chẳng lấy gì làm lạ.

 Trong các vị thần thiện của dân tộc Êđê (Đaklak) có Yang M’nút Hra là thần cây đa, cây sung, có nhiệm vụ trông nom dòng nước, săn sóc dân làng và đến chúc mừng cho trẻ sơ sinh những điều tốt lành(7).

 4. Niềm tin về cây có hồn, hồn trú ngụ trong cây, ma quỷ, yêu quái cũng trú ngụ trong cây

Người Kinh có câu tục ngữ phổ biến rất rộng rãi: “Thần cây đa, ma cây gạo” (cây chết thì hồn hoá ma, hồn người chết cũng hoá ma). Dù là thần hay ma, người Kinh đều quan niệm đó không phải là loại cây bình thường mà rất linh thiêng, có thể tác động đến cuộc sống con người, đem lại điều lợi hay hại cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

 Người Xơ Đăng tin rằng trong cây đa có thần linh trú ngụ.

 Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, do Vũ Ngọc Khánh và Nguyễn Quang Ân sưu tầm, có chuyện Cây gạo, kể về một người tên là Trình Trung Ngộ từ Bắc Hà vào Nam đi buôn đêm đỗ thuyền dưới cầu Liễu Khê, gặp một người con gái tuyệt sắc, gian díu với nhau, dắt nhau về cánh đồng làng bên cạnh, mới biết người con gái đã qua đời nửa năm, bèn ôm quan tài mà chết. Những đêm tối trời khóc than, đòi lễ bái, dân làng đào mả quăng hài cốt xuống sông. Trên bờ sông cạnh chùa có cây gạo trên 100 năm. Hai hồn nương tựa vào cây gạo làm yêu quái, ai động đến cây gạo thì dao gẫy, rìu mẻ. Sau đến đời Trần (1339) nhờ có một pháp sư mới trừ được. Pháp sư dùng pháp thuật làm đổ cây gạo và sai âm binh trói hai người dẫn đi(8).

 Qua câu chuyện, ta thấy người ta tin hồn người chết hoá ma quỷ trú ẩn trong cây gạo, quấy rối con người.

 5. Tập tục chăm sóc tôtem, mặc như tôtem và ăn tôtem

Về chăm sóc tôtem, ta thấy phổ biến tập tục chăm sóc cây si, cây đa để các cây này cành lá xum xuê trở thành cổ thụ. Ta cũng thấy cư dân miền núi trồng nhiều cây gạo, chăm sóc cây gạo cho tươi tốt, đến bản mường nào mà thấy nhiều cây gạo xanh tươi thì người ta đoán được sự thịnh vượng của bản mường đó. Người Khmú có tập quán làm nhà cho tôtem ở. Khi làm nhà mới, họ Thràng đặt lồng chim ở đầu hồi nhà, chỗ khau cút cho chim ở. Không liên quan đến đề tài này, nhưng cũng cần nói là người Khmú có tập tục làm đám tang cho hổ là tôtem dòng họ rất điển hình. Còn ăn thịt tôtem, ta không có nhiều tài liệu nổi bật như lễ hội gấu của dân tộc thiểu số ở Xibêri nước Nga, nhưng trong chuyện cây chu đồng của người Mường, ta cũng thấy hai đứa bé con của người bị hiến sinh, trốn trong gốc cây si, khi bị Lang chặt gốc, máu hai đứa bé hoá thành thú dữ, đặc biệt con Moong Lồ. Khi Lang săn bắt được Moong Lồ, dân bản mường xẻ thịt ăn. Ăn thịt Moong Lồ xem như ăn thịt tôtem. Dân bản mường cũng bắt chước màu da con Moong Lồ dệt vải mà mặc. Đây là hành động mặc như tôtem của mình.

 Đặng Nghiêm Vạn khi viết về tôtem giáo ở người Khmú, có mô tả lễ cúng tổ tiên của họ Tvạ (rau dớn) như sau: “Vợ chủ nhà đi bắt cá, lấy cá và 3 ngọn rau Tvạ vùi vào bếp. Chủ nhà dâng Tvạ và cá cho Hrôi Gang và tổ chức cho cả nhà ăn tôtem của mình. Khi cúng tổ tiên con cháu phải vẽ mặt hay hoá trang giống tổ tiên (tức tôtem) của mình"(9). Cần chú ý là theo tôtem giáo, nói chung nghiêm cấm ăn tôtem. Nhưng trong những nghi lễ nhất định, việc ăn tôtem lại là bắt buộc, để tăng thêm sức sống cho cộng đồng.

 6. Tôtem cây và lễ hiến sinh người

Năm 1960, trong chuyến điền dã dân tộc học ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) và Lệ Thuỷ (Quảng Bình) nghiên cứu dân tộc Vân Kiều, tôi có nghe kể một câu chuyện về hiến sinh người trong xây dựng như sau. Lâu lắm rồi ở huyện Hương Hoá tỉnh Quảng Trị, cũng là nơi có người Vân Kiều sinh sống, trong lúc dựng nhà cho ông Tổng Pư, một tù trưởng người Vân Kiều, người ta có chôn sống một phụ nữ có thai cùng với chiếc cột cái. Theo tập tục, trước khi hạ cột cái, thợ xây cất tiếng kêu, nếu có người nào hay con thú nào đáp lại tiếng kêu, thì đó là đối tượng của nghi lễ hiến sinh. Hồi ấy có một phụ nữ mang thai đi vào rừng hái lượm lâm thổ sản, nghe tiếng kêu bất ngờ của thợ xây vô tình đáp lại tiếng kêu đó, nên bị cưỡng bức làm vật hiến sinh. Việc hiến sinh người để thế mạng cho cây tôtem dùng trong xây dựng là thảm khốc như vậy.

 Đặng Nghiêm Vạn, trong công trình nghiên cứu “Chiếc cột mường (Lắc mường), bái vật quyền uy của chúa đất Thái”, có viết rằng, hằng năm vào dịp đầu xuân trước mùa sản xuất, mỗi mường Thái có tổ chức lễ xên mường (lễ hội mường) để cầu mong phù hộ cho dân mường. Lễ được tiến hành ở khu rừng thiêng. Cột mường tượng trưng cho quyền uy của chúa đất và sự vững mạnh của cộng đồng. Cột mường quan trọng như thế nào với chúa đất và mường, thì cột nhà cái cũng quan trọng như vậy đối với từng gia đình và chủ gia đình: chân cột mường xưa kia chúa đất còn chôn người sống(10). Đây là một công trình đáng chú ý. Tuy nhiên, có điều cần phải bàn thêm. Ví dụ, tác giả cho rằng việc dựng cột mường xưa kia là cột đá, của thời cự thạch, sau này là cột đồng, gần đây là cột gỗ. Có phải như vậy không, hay là cổ xưa hơn cả là cột gỗ?

 Về hành động hiến sinh người trong xây dựng, tác giả cho rằng chúa đất còn chôn người sống dưới chân cột để thêm thiêng, còn với hành động chôn cột trong xây dựng nhà, tác giả viết rằng xưa kia cần yểm bạc, trầu cau để tạ thần linh. Về chiếc cột mường (lắc mường) tác giả cho rằng đó là bái vật quyền uy của chúa đất Thái. Những suy nghĩ như vậy là đáng trân trọng. Có thể là như thế. Nhưng tôi lại nghĩ theo một hướng khác, liên quan đến tôtem giáo, và tôi cho rằng việc hiến sinh người trong lắc mường là để thế mạng cho tôtem cây, bị đốn chặt trong xây dựng, làm như thế để tránh sự trả thù của tôtem cây.

Tập tục hiến sinh người đối với người Kinh ta không có nhiều tài liệu. Trong các sách báo và chuyện kể, ta bắt gặp một số trường hợp hiến sinh người cho thần sông (Hà Bá) và cho thuồng luồng ở các vũng nước sâu. Hiến sinh người trong xây dựng lại càng hiếm hơn. Nếu ở Trung Quốc có chuyện hiến sinh người trong xây dựng Vạn Lý Trường Thành rất thương tâm, nàng Mạnh Khương lặn lội đến công trình xây dựng, tìm chồng không thấy vì đã bị hiến sinh, nàng khóc thảm thiết, nước mắt làm một mảng tường thành bị đổ, thì ở người Kinh, tuy không có trường hợp như vậy, nhưng sự thảm khốc thì nhân lên cấp số nhân, vì tập tục hiến sinh có trường hợp kéo dài đến mấy ngàn năm. Đó là chuyện Mộc Tinh trong Lĩnh nam chích quái.

 Truyện kể, thời Thượng cổ, đất Phong Châu có cây chiên đàn, cành lá xum xuê, cao hơn ngàn nhẫn, rợp trời mấy ngàn dặm. Trải qua hàng ngàn năm lâu ngày cây khô héo, biến thành yêu tinh, biến hoá khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ, hàng năm đến ngày 30/12, theo lệ phải mang người sống tới nạp, mới được yên ổn. Dân thường gọi là thần Xiêng Cuồng. Vua Hùng hàng năm sai bắt giống người Liêu Tử tới nạp. Đến đời vua Đinh Tiên Hoàng, nhờ pháp sư phương Bắc sang nước ta dùng pháp thuật và trò vui mới lừa giết được nó. Lệ tiến lễ hàng năm mới bãi bỏ. Dân lại sống yên lành như xưa(11).

 7. Cấm kị (tabou) liên quan đến tôtem cây trong xây dựng

Các dân tộc nước ta từ rất lâu đời đã có nhiều điều cấm kị liên quan đến xây dựng nhà cửa. Những cấm kị ấy có xu hướng ngày càng giảm dần tính phức tạp, không ít cấm kị chỉ còn là tượng trưng, nhưng lẫn sâu vào cốt lõi, ta thấy mục đích và ý nghĩa của cấm kị không thay đổi. Những cấm kị trải ra và bao trùm tất cả các khâu đoạn trong một quá trình làm nhà, tuy nhiên tập trung và quan trọng nhất là liên quan đến cột cái, cột chính, cột gốc của ngôi nhà, hay nói rộng hơn của một công trình kiến trúc. Đây không phải là sự ngẫu nhiên, mà nó bắt nguồn từ thực tiễn của triết lí cuộc sống. Cột gốc có chắc chắn, vững bền thì tuổi thọ ngôi nhà mới dài lâu, và kéo theo nó là sự thịnh vượng của gia đình.

 Đêm hôm trước, nếu nằm mộng mà mơ thấy có dấu hiện không tốt lành theo tập tục dân tộc, thì sáng hôm sau người ta không lên rừng tìm chặt cây dùng làm cột cái. Nếu trên đường đi, mà gặp thú vật chạy qua, hay rắn ngáng giữa đường thì cũng trở về nhà. Vào rừng sâu, rừng cấm thì lựa những cây gốc to, thân cao mọc thẳng, không cụt ngọn, cành lá xum xuê, không có các loại dây leo đeo bám vào cây, thì mới được chọn để làm cột gốc. Người lựa chọn và bổ nhát rìu đầu tiên thường là gia chủ, hay ông cậu, tức anh em trai của mẹ gia chủ. Cũng như lúc chặt cây, khi đào hố để dựng cột nhà nói chung và cột nhà chính nói riêng, phải chọn ngày lành, tháng tốt, không xung khắc với tuổi của gia chủ. Lễ chôn cột cái bao giờ cũng kèm theo tục hiến sinh. Đã từ lâu đã mất đi tục hiến sinh người. Thay thế người là súc vật như trâu, lợn, gà, lúc đầu cả con, về sau chỉ là một bộ phận của cơ thể các con vật ấy, tính tượng trưng là vàng mã. Có thể nghĩ đây là sự khôn ngoan và tinh quái của con người đánh lừa tôtem cây trong hiến sinh. Dựng cột cái xong, xem như cơ bản dựng xong ngôi nhà. Có những dân tộc như dân tộc Thái có những nghi lễ rất độc đáo khi dựng cột. Người chủ trì cuộc lễ buộc lên trên đầu cột túm gianh hay lá gồi. Trên đầu cột thường treo hạt giống, hay sinh thực khí (Linga hay Yoni) bằng gỗ, với mong ước sinh sôi nảy nở cho mùa màng và dòng họ. Tất cả các thứ đó được buộc bằng 9 vòng dây lạt và được úp trong chiếc sọt bằng mắt cáo, tượng trưng mảnh lưới rách trừ ma quỷ(12).  Có dân tộc có tập quán dán bùa chú bằng giấy đỏ vào cột nhà để trừ tà. Khi dựng nhà xong, hành động quan trọng đầu tiên là mang lửa vào nhà mới, đốt lửa suốt đêm ở bếp, lửa trước kia tượng trưng cho thị tộc, nay là sức sống của gia đình, nổi lửa để xua đuổi ma quỷ, tà khí. Người lên nhà đầu tiên là gia chủ hay ông cậu. Tối đầu tiên, người ta lấy thanh tre đánh vào phên, tường nhà gây tiếng động để xua đuổi ma quỷ. Để tránh nỗi sợ hãi khi lên nhà mới, không bao giờ đêm đầu tiên người ta ngủ một mình và không để lửa cho sáng nhà. Trong những trường hợp không cho người lạ vào nhà theo tập quán quy định, người ta dựng cây ta leo trước cửa. Cũng có trường hợp người ta cấm kị không cho người lạ nói tiếng khác tiếng nói gia chủ ở trong nhà. Nhiều cấm kị liên quan đến cột cái, ví dụ bàn thờ ma nhà phải thiết lập gần cột cái. Gần cột cái cũng là nơi nằm và nơi ngủ của gia chủ. Nơi chôn cột cái phải được giữ gìn sạch sẽ, tránh uế tạp. Không được phơi áo quần, đặc biệt là đồ lót phụ nữ ở gần cột cái. ở nhiều dân tộc, bản thân phụ nữ không được lai vãng đến gần cột cái. Không được to tiếng, gây ồn ào ở nơi chôn cột cái và gần bàn thờ ma nhà. Có dân tộc có tập quán bôi máu gia súc hay gia cầm vào thanh tre hay giấy dán ở bàn thờ, bôi máu súc vật vào ông đồ rau, hay bôi máu gia súc hiến sinh vào đầu gối của mọi thành viên trong gia đình trong dịp cúng tổ tiên, xét về nguồn gốc đều quan hệ đến hiến sinh trong xây dựng nhà.

 Kết luận

Như vậy, tôtem với con người ở trong mối quan hệ bình đẳng, con người không sợ hãi tôtem ở xã hội thị tộc, về sau với sự phát triển của xã hội, tôtem trở thành đối tượng thờ cúng của con người. Người ta sợ tôtem làm hại đến mức không dám vào rừng sâu có nhiều cây cổ thụ một mình, đặc biệt là ban đêm, từ rừng sâu đi về nhà, sờ sợ, thấy rợn người, nhất là khi thấy đom đóm lập loè, cho là ma trơi, không dám quay người nhìn lại. Các cấm kị liên quan đến cột cái, đến ngôi nhà nói chung có liên quan đến tôtem cây, đến sự hiến sinh trong xây dựng, đến các hành động nhằm loại trừ sự trả thù của tôtem cây do bị đốn chặt để xây dựng nhà. Nếu không phải tất cả thì một phần quan trọng các cấm kị liên quan đến nhà ở sẽ dần dần được sáng tỏ, khi ta tiếp cận với tôtem giáo, trực tiếp là tôtem cây.

 Nếu tôn giáo nói chung, tôtem giáo nói riêng có cội rễ từ nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội, một khi dân trí được nâng cao, con người có một cuộc sống vật chất và tinh thần được đảm bảo, thì những cấm kị như đã nói ở trên sẽ vĩnh viễn trở thành quá khứ./.

GS. Phan Hữu Dật
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo  (Số 4(34)/2005)

18.11.12

Thăm Bảo tàng mini của GS Phan Hữu Dật


Vừa qua, cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến tham quan Phòng lưu niệm cá nhân tại gia đình của GS Phan Hữu Dật. Phòng trưng bày này được nhiều người đánh giá như một Bảo tàng mini về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

GS Phan Hữu Dật (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) là một trong những nhà khoa học đầu ngành về Dân tộc học Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên ở nước ta bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ Dân tộc học tại Liên Xô.

Đến nay, ở vào tuổi “bát thập cổ lai hi”, Giáo sư mong muốn những tài liệu hiện vật trong cuộc đời và sự nghiệp của mình được lưu giữ, để lại cho các con, cháu chắt. Do đó, ông tự đầu tư, tạo dựng Phòng lưu niệm tại gia cùng với sự giúp đỡ chuyên môn của các cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Sau 3 tháng thiết kế và xây dựng, đến tháng 6-2011, Phòng lưu niệm của Giáo sư được  khánh thành đúng dịp kỉ niệm sinh nhật của ông.

Tuy căn phòng rộng chừng 20m2 nhưng những tài liệu hiện vật được bảo quản trong hệ thống tủ kính và trưng bày theo nhóm chủ đề như “Quê hương”, “Du học ở Liên Xô”, “Tình duyên bắc qua hai thế kỉ”, “Cánh chim không mỏi”. Mỗi chủ đề là mỗi câu chuyện về tình cảm với quê hương, gia đình, bạn bè, về quá trình học tập, công tác, nghiên cứu. Đặc biệt, căn phòng còn sống động bởi các kỉ vật gắn với  nhiều địa danh, vùng miền mà GS Phan Hữu Dật đã sống, học tập, làm việc; những  tặng phẩm của bạn bè…  được ông trân trọng trưng bày trong các ngăn tủ.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) đã đánh giá về Bảo tàng mini của Giáo sư: “Có lẽ Phòng lưu niệm của GS Phan Hữu Dật là một trong những Phòng lưu niệm về nhà khoa học đầu tiên ở Hà Nội và nước ta được chuẩn bị rất công phu, chuyên nghiệp. Căn phòng nhỏ tuy còn rất khiêm tốn nhưng đã kể lại được cả cuộc đời của Giáo sư từ gia đình, sự nghiệp khoa học và quản lí khoa học đến tình bạn cao cả”.

GS Phan Hữu Dật đề nghị Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam quản lí toàn bộ Phòng trưng bày này và có ý định mở rộng không gian để có thể trưng bày  khoảng 500 tài liệu hiện vật còn lại của ông.

Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam








15.11.12

Lễ Khai giảng năm học 2012-13 và trao Giải thưởng Phan Hữu Dật


Chiều 19/10/2012, tại tầng 8 nhà E Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ môn Nhân học đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2012-13 và trao Giải thưởng Phan Hữu Dật. Đến dự buổi lễ có PGS. TS Trần Minh Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; đại diện lãnh đạo Phòng Chính trị & Công tác Sinh Viên, Ban Thanh Tra, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Hành chính - Tổng hợp; PGS. TS Vương Xuân Tình - Viện Trưởng Viện Dân tộc học, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh - Đại diện Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam; và các nhà khoa học tham gia giảng dạy tại Bộ môn.
            Tham gia buổi lễ còn có toàn thể giảng viên và sinh viên của Bộ môn Nhân học. Đặc biệt buổi Lễ có sự hiện diện của NGND, GS.TS. Phan Hữu Dật, nguyên Hiệu trường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Dân tộc học Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học (nay là Bộ môn Nhân học) và là người đã góp tiền xây dựng Quỹ Giải thưởng Phan Hữu Dật.
            Sau phần khai mạc, PGS. TS Lâm Bá Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học phát biểu khai giảng năm học mới. Bài phát biểu của PGS. TS Lâm Bá Nam nhấn mạnh:
            “[…] Hôm nay cùng với niềm vui của những ngày tháng 10 lịch sử, trong không khí cả nước triển khai năm học mới, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục, thầy và trò Bộ môn Nhân học vui mừng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2012-2013 và trao giải thưởng Phan Hữu Dật. Thay mặt Chi ủy, Ban chủ nhiệm Bộ môn tôi xin nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của lãnh đạo Nhà trường, các phòng ban chức năng, các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và toàn thể anh chị em sinh viên Bộ môn Nhân học.
            [...] Bộ môn nhân học thuộc trường chính thức được thành lập trên cơ sở bộ môn Dân tộc học/Nhân học thuộc khoa Lịch sử được thành lập từ năm 1960. Trên hành trình trên nửa thế kỷ qua, thầy và trò bộ môn Dân tộc học trước đây và bộ môn Nhân học hiện nay đã có mặt trên mọi nẻo đường Tổ quốc, từ địa đầu Lũng Cú đến xóm Mũi  Cà Mau, từ vùng núi cao, cao nguyên đến đồng bằng duyên hải, hải đảo. Những kết quả nghiên cứu của các thế hệ nhà giáo và sinh viên Bộ môn đã đóng góp tích cực trong việc nhận diện bức tranh văn hóa đa tộc người ở nước ta; xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước, góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra từ góc độ lý luận đến các vấn đề thực tiễn vì sự phát triển của cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Dân tộc học/Nhân học, năm 2010, Hiệu trưởng Nhà trường đã quyết định thành lập bộ môn Nhân học thuộc Trường. Đây là điều kiện và là cơ hộ để cán bộ và sinh viên Bộ môn đẩy mạnh xây dựng ngành Nhân học đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế; xây dựng ngành Nhân học mang bản sắc Việt Nam.
            Chúng tôi cũng vui mừng thông báo với quý vị đại biểu và các thầy cô giáo được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường trong năm học này sẽ có sinh viên ngành Nhân học đầu tiên ra trường. Chúng tôi cũng vui mưng nhận thấy sinh viên Nhân học ngay từ khóa đầu đã thể hiện sự tự tin năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thể hiện niềm say mê trong học tập, số sinh viên đạt học lực vào loại giỏi ngày càng tăng. Nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, con em các dân tộc thiểu số đã vươn lên giành nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện. Tính sẻ chia, niềm cộng cảm, tác phong làm việc nhóm đã trở thành đặc trưng của sinh viên Nhân học. Các bạn chính là tương lai của ngành Nhân học và tương lai đang chờ đón các bạn. Bộ môn và các thầy cô giáo luôn hy vọng tin tưởng và chờ đón những thành công trong học tập và rèn luyện của các bạn
            [...] Trong không khí trang trọng này, cho phép tôi thay mặt các thầy cô giáo xin tri ân về những đóng góp xây dựng của các thế hệ các nhà giáo, nhà khoa học giàu tâm huyết và tài năng: các GS, nhà giáo Vương Hoàng Tuyên,  Đặng Nghiêm Vạn,  Hoàng Nam,  Nguyễn Dương Bình, Nguyễn Quốc Lập,  Hoàng Lương,  Hoàng Hoa Toàn, Đặng Huy Kiểm, Hà Văn Thụ,  Lê Ngọc Thắng và các thế hệ thầy cô giáo Khoa Lịch Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hiện nay.
            Đặc biệt xin tri ân sự đóng góp và tấm lòng cao cả của Ông bà GS, Nhà giáo Nhân Dân Phan Hữu Dật, cô Nguyễn Phước Chánh Thành. Trên các cương vị từng trải qua: Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học, Chủ nhiệm khoa Lịch Sử,  Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội,  Chủ tịch Hội Dân tộc học Việt Nam... GS đã có đóng góp quan trọng việc xây dựng và phát triển Bộ môn Dân tộc học nói riêng và ngành Dân tộc học nói chung. Ông bà GS Phan Hữu Dật - Nguyễn Phước Chánh Thành đã tặng toàn bộ tủ sách  2000 đầu tài liệu quý cho Bộ môn và năm 2011 Ông bà đã gửi 100 triệu động làm giải thưởng Phan Hữu Dật cho sinh viên và học viên sau đại học ngành Nhân học. Tôi đề nghị chúng ta nhiệt liệt cảm ơn và chúc sức khỏe thầy cô Phan Hữu Dật-Nguyễn Phước Chánh Thành.
            Nhân ngày vui hôm nay, thay mặt toàn thể cán bộ sinh viên Bộ môn, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm kể cả vật chất và tinh thần của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường; các phòng ban chức năng và các đơn vị bạn. Xin cảm ơn sự quan tâm hợp tác của Lãnh đạo Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam, các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài trường (hàng năm Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam và nhà dân tộc học TS Vi Văn An đều có phần thưởng cho sinh viên tốt nghiệp có kết quả học tập xuất sắc) [...].”
            Trên cơ sở kết quả học tập, nghiên cứu khoa học, công tác lớp, đoàn, hội và những nỗ lực phấn đấu vượt khó trong học tập và trong cuộc sống của sinh viên ngành Nhân học, Ban Giám hiệu, Ban Điều hành Quỹ và Ban Chủ nhiệm Bộ môn đã quyết định khen thưởng 11 sinh viên K54, 55, 56 và 57 của Bộ môn Nhân học.
            Phát biểu tại Lễ trao giải thưởng, GS Phan Hữu Dật đã không chỉ truyền nguồn cảm hứng, lòng nhiệt huyết và sự đam mê trong học tập và nghiên cứu cho sinh viên Nhân học, mà còn hy vọng những nhà Nhân học chuyên nghiệp tương lai sẽ cố gắng vượt qua được chính mình, vượt qua số phận, để đạt được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống. Cuộc đời bao gian khó nhưng đầy niềm kiêu hãnh của GS Phan Hữu Dật là một ví dụ khích lệ ý chí phấn đấu vươn lên cho cả người học và người dạy, như PGS. TS Trần Minh Hòa đã phát biểu trong buổi Lễ.  
            Danh sách 11 sinh viên được nhận Giải thưởng Phan Hữu Dật năm 2012:
Trần Diệu Anh (K54)
Nguyễn Thanh Tùng (K54)
Lương Thị Trang (K54)
Tạ Thị Anh (K55)
Đỗ Quỳnh Anh (K55)
Trần Thị Hương (K55)
Nguyễn Hải Hà (K56)
Trịnh Thị Gấm (K56)
Hoàng Thị Hỏi (K56)
Ngô Thị Thảo Trang (K57)
Lồ Thị Dung (K57)



14.11.12

PGS. TS Lâm Bá Nam, chủ nhiệm Bộ môn Nhân học: GS. Phan Hữu Dật, người trọn đời vì sự nghiệp giáo dục và phát triển ngành Nhân học

“Làng tôi ba bến con đò.
Ai sang cho biết, xin chờ mà sang”.
Đó là lời giới thiệu của ông về quê hương - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, hiếu học và thi ca, bên dòng sông Bồ.
Là nhà giáo - nhà khoa học, ông đã trải qua cuộc đời hoạt động thật sôi nổi, từ cuộc cách mạng mùa thu năm 1945 cho đến hiện nay trên con đường lớn của dân tộc.
 Tiếp thu truyền thống gia đình và quê hương, năm 17 tuổi, ông đã tham gia phong trào cách mạng với sự kiện tham dự cuộc mít tinh trước Ngọ Môn và tuần hành thị uy trên đường phố Huế ngày 23.8.1945.

GS. Phan Hữu Dật

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm việc tại Ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh Quảng Trị, sau đó học Trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng và Trường Trung cấp Sư phạm Khu IV. Năm học 1951- 1952, ông là giáo viên trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu ở vùng căn cứ du kích, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, sau đó được điều động làm Hiệu trưởng trường cấp II vùng căn cứ du kích tại xã Phong Phú, huyện Phong Điền. Từ năm 1953 đến năm 1955, ông là cán bộ Sở Giáo dục Liên khu IV, phụ trách giáo dục địch hậu Bình Trị Thiên và cán bộ Ty Giáo dục Hà Tĩnh. Sau đó là những năm tháng đầy hào hùng ở chiến khu Ba Lòng vùng Bình Trị thiên khói lửa với không ít hiểm nguy mà ông cùng các đồng nghiệp đã vượt qua vì sự nghiệp phát triển giáo dục.
Năm 1954, ông được cử đi học tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học loại ưu, ông được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh với đề tài: “Các dân tộc nói tiếng Môn-Khơ me ở miền Bắc Việt Nam”. Luận án đã được bảo vệ năm 1963 tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Đây là luận án tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học đầu tiên của một nghiên cứu sinh Việt Nam được bảo vệ ở nước ngoài dưới chế độ dân chủ cộng hòa([2]).

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Dân tộc học tại Liên Xô, từ năm 1964, ông trở về công tác tại Bộ môn Dân tộc học (nay là Bộ môn Nhân học) thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1971 đến 1975, ông được sử làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; Bí thư liên chi ủy Khoa; Đảng ủy viên, Phó bí thư Đảng ủy Trường Đaiọ học Tổng hợp Hà Nội. Trong 2 năm (1975-1977), trước yêu cầu của tình hình mới, khi đất nước giải phóng, ông được cử tham gia công tác tiếp quản ngành Đại học Sài Gòn, được cử làm Trưởng Ban Quân quản Đại học Văn khoa, Phó Ban Quân quản (sau đó là Phó Ban phụ trách) Viện Đại học Sài Gòn.
Năm 1977, ông được điều động trở lại công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được cử làm Phó Hiệu trưởng (1977-1981), Quyền Hiệu trưởng (1981-1985); và sau đó là Hiệu trưởng (1985-1988), kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học (1986-1988), Chủ tịch Hội đồng Khoa học; Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học. Ông Vinh dự được cử làm Đại biểu Đại hội toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (1986).
Từ năm 1988 đến 1993, sau khi nghỉ công tác quản lý tại trường, ông chuyển về công tác tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương và làm giảng viên Bộ môn Dân tộc học, rồi tiếp tục được cử giữ những trọng trách như: Ủy viên Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Phó tổng biên tập kiêm Trưởng ban chuyên ngành Dân tộc học Từ điển Bách khoa Việt Nam; Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khóa II. Cho đến hiện nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn được mời làm giảng viên kiêm nhiệm tại Bộ môn Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đồng thời tham gia giảng dạy các bậc học từ hệ đào tạo cử nhân đến tiến sĩ.
Ấn tượng về các tộc người ở Việt Nam đến với ông từ rất sớm. Ông kể: Hồi học ở lớp 3 trường làng Thanh Lương, có một lần thầy giáo hỏi cả lớp: “Ai có ít” - Ông trả lời: “Mọi có ít” (Mọi là từ chỉ các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên theo cách gọi lúc bấy giờ). Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông trở thành sinh viên Trường Đại học Văn khoa Hà Nội. Chính GS. Trần Văn Giàu đã khuyên ông theo học nghề Dân tộc học, Dân tộc học đã trở thành nghiệp đời của ông từ đó.
Trên hành trình Dân tộc học, dấu chân của ông đã có mặt trên nhiều vùng đất của tổ quốc, từ địa đầu Lũng Cú (Hà Giang) cho đến Xóm Mũi (Cà Mau). Là học trò của ông cách đây trên 30 năm, tôi có may mắn được nghe ông kể không ít kỷ niệm điền dã về nhiều tộc người với nhiều hương vị và kỷ niệm không thể nào quên, từ món thắng cố, mèn mén của người Hmông ở cao nguyên Đồng Văn đến âm vang trống đồng của người Lô Lô trên đỉnh Lũng Cú, từ hương vị măng chua nấu với nhái, đặc sản xứ Mường vùng Tây Bắc đến món cơm pồi của người Dục vùng Trường Sơn, về nồi cháo gà thơm ở bản Chòm Lòm vùng miền Tây Quảng Bình vẫn còn nguyên bộ lòng chưa kịp làm...Ông kể về lần gặp Bác Hồ và câu hỏi của Người về Xá lá Vàng là kỷ niệm không bao giờ phai mờ, đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trên bước đường nghiên cứu.
Trên nửa thế kỷ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Phan Hữu dật đã trở thành một trong những giáo sư đầu ngành về Nhân học . Những công trình nghiên cứu của ông tập trung vào những nội dung như: Các vấn đề lý luận về tộc người, về cộng đồng quốc gia dân tộc và lý thuyết Nhân học; Văn hóa các dân tộc ở Việt Nam, Văn hóa và phát triển; Quá trình tộc người và mối quan hệ dân tộc ở Việt Nam, Đông Nam Á và trên thế giới; Dân tộc học và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử hôn nhân và gia đình.
Trên 100 công trình nghiên cứu đã được công bố của GS. Phan Hữu Dật đề cập đến các vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu Dân tộc học, từ các vấn đề lý thuyết trong nghiên cứu đến việc tổng kết các vấn đề nghiên cứu trong Dân tộc học ở nước ta; từ Dân tộc học Việt Nam đến các vấn đề dân tộc học trên thế giới; từ văn hóa và phát triển đến yêu cầu đào tạo và nghiên cứu Dân tộc học phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; từ mối quan hệ dân tộc và những vấn đề cấp bách ở nước ta và trên thế giới đến vấn đề dân tộc trong toàn cầu hóa; từ việc đẩy mạnh nghiên cứu các ngành khoa học xã hội- nhân văn đến nghiên cứu ứng dụng...“Các công trình nghiên cứu của ông, dù trong lĩnh vực nào, cũng đảm bảo sâu sắc về mặt lý luận, tính nguyên tắc về tư tưởng, ý nghĩa thực tiễn về mặt áp dụng”([3]).
Với tư cách là một trong những nhà Dân tộc học đầu ngành, những vấn đề nghiên cứu của ông đã đặt nền tảng cho sự phát triển của nền Dân tộc học Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên soạn giáo trình “Cơ sở Dân tộc học” (1973) phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu của ông đã tiếp tục đề cập đến những yêu cầu nghiên cứu Dân tộc học theo hướng Nhân học trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu và nhận thức mới trước yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
Trên nền tảng nghiên cứu cơ bản, những công trình nghiên cứu khoa học của GS. Phan Hữu Dật đã đặc biệt chú trọng nghiên cứu cũng như tổng kết về lý luận và chính sách dân tộc ở nước ta trong lịch sử và hiện tại([4]). Từ rất sớm, ông đã đề nghị bổ sung nguyên tắc giúp nhau cùng phát triển trong các nguyên tắc cơ bản về chính sách dân tộc và nguyên tắc này đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuyên suốt trong các công trình nghiên cứu của ông là vấn đề xem xét mối quan hệ dân tộc, từ lý luận đến thực tiễn. Ông đã dày công nghiên cứu những bài học kinh nghiệm trên thế giới và chỉ ra những đặc điểm trong mối quan hệ dân tộc ở nước ta, đồng thời đưa ra những đề xuất có tính thuyết phục nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ dân tộc hiện nay. Những thành quả nghiên cứu này đã có dịp được ông trình bày tại Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (với tư cách là Ủy viên Ban soạn thảo Luật Dân tộc) và Hội đồng Tư vấn Dân tộc của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (với tư cách Phó chủ nhiệm Hội đồng).
Một trong những đóng góp rất quan trọng của GS. Phan Hữu Dật là nghiên cứu về cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, văn hóa và phát triển. Trên 30 công trình nghiên cứu của ông đã bao quát khá nhiều vấn đề trên lĩnh vực này. Có có thể coi công trình “Sự phát triển của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong thế kỷ XX” là công trình mang tính tổng kết, có tính lý luận và thực tiễn cao. GS. Phan Hữu Dật cũng là người đầu tiên khái quát một cách đầy đủ nhất về những đặc điểm chủ yếu của cộng đồng các dân tộc ở nước ta. Ông cũng đã cùng giới thiệu nghiên cứu tham gia xây dựng các tiêu chí xác định thành phần các dân tộc ở Việt Nam. Những tiêu chí đó đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, ông đã cùng góp sức cùng các nhà sử học và các khoa học xã hội nghiên cứu về thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam: thời đại Hùng Vương. Những kết quả nghiên cứu của ông dưới góc độ Dân tộc học đã góp phần soi sáng về tính chất và thiết chế xã hội ở nước ta lúc bấy giờ cũng như vai trò của Văn hóa Lạc Việt trong nền văn hóa Đông Nam Á.
Trong các công trình nghiên cứu của GS. Phan Hữu Dật, lịch sử và văn hóa của nhiều tộc người, từ các tộc người thuộc ngôn ngữ Thái đến các cư dân Môn-Khơme, từ các tộc người nói ngôn ngữ Hmông-Dao đến các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng, từ các cư dân Việt-Mường đến các cư dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo...đã được thể hiện khá sinh động và có tính thuyết phục. Khi xem xét văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ông đã có những phân tích khá thuyết phục khi đặt văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong mối liên hệ văn hóa trong khu vực và thế giới. Những kết quả nghiên cứu này đã được trình bày tại nhiều trường đại học và các hội thảo quốc tế.
Ông đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc ở nước ta trong mối liên hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại. Khi xem xét văn hóa truyền thống các dân tộc, ông đã phân tích sâu sắc và chỉ ra các yếu tố văn hóa không gây trở ngại, cũng như những giá trị cũ đã lỗi thời, có thể gây trở ngại cho sự phát triển cần cải biến. Đồng thời, ông cũng chỉ ra những giá trị văn hóa của các tộc người có tính vĩnh cửu hay tương đối vĩnh cửu cần được bảo tồn để làm giàu cho văn hóa dân tộc và nhân loại.
Một trong những vấn đề được đề xập trong những công trình nghiên cứu của ông là tiếp cận nghiên cứu con người và văn hóa. Theo GS. Phan Hữu Dật, đứng về mặt phương pháp luận mà nói, không bao giờ có con người chung chung, trìu tượng, mà con người bao giờ cũng là con người cụ thể, sản phẩm tổng hợp của các điều kiện địa lý, môi trường kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa truyền thống cụ thể.
Với tư cách là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về hôn nhân và gia đình, từ những năm 60 của thế kỷ XX, ông đã nghiên cứu về các hình thái hôn nhân của người Vân Kiều, tìm ra dấu vết liên minh ba thị tộc. Ông cũng đã đi sâu nghiên cứu dấu vết hệ thống bốn hôn đẳng ở Tây Nguyên; các quy tắc cư trú trong hôn nhân cũng như chế độ song hệ; dấu vết bào tộc ở người Êđê với những phát hiện khoa học, mở ra hướng nghiên cứu mới trong việc nghiên cứu quá khứ của loài người, đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện Luật Hôn nhân gia đình các dân tộc Việt Nam, xây dựng đời sống văn hóa mới, phù hợp với quy luật phát triển. Xung quanh vấn đề này, các công trình của ông về các lý thuyết nghiên cứu, về các tác giả và tác phẩm như H. Morgan với Xã hội cổ đại, Ph. Engels với “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”...đã đánh giá một cách khách quan những đóng góp của trường phái Mác-xít trong Dân tộc học, góp phần định hướng cho các nhà khoa học trẻ, anh chị em sinh viên và học viên cao học trên bước đường học tập và nghiên cứu.
Với cương vị là nhà giáo, ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân Dân tộc học và Sử học. Dưới sự hướng dẫn khoa học của ông, đã có 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trong đó có 5 người bảo vệ tại Đại học Quốc gia Hà Nội và 2 thạc sĩ. Hiện nay ông đang tiếp tục hướng dẫn 2 luận án tiến sĩ. Ông đã tham gia làm chủ tịch và phản biện 35 luận án tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Ngoài ra, ông còn trực tiếp giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng cán bộ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng như các trường đại học...đồng thời tham gia giảng dạy các vấn đề dân tộc ở Việt Nam tại một số trường đại học trên thế giới như: Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô), Đại học Humbolt (Đức) và nhiều hội thảo khoa học quốc tế. Ông luôn luôn ước vọng xây dựng trường phái Dân tộc học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Năm 2004, ông đã trao tặng 1.500 đầu sách và tài liệu cho Bộ môn Nhân học, bổ sung vào kho tài liệu học tập cho cán bô và sinh viên. Các học trò của ông ở Bộ môn Nhân học luôn tự hào về người thầy của mình, luôn coi ông là chỗ dựa quan trọng về học thuật và cuộc sống.
Ông đã công bố trên 100 công trình nghiên cứu, trong đó có 9 sách chuyên khảo, đáng chú ý như: “Văn hóa lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á” (Chủ biên, 1992); “Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam” (Chủ biên, 1994); “Văn hóa Thái Việt Nam” (viết chung với Cầm Trọng, 1995); “Phương sách dùng người của cha ông ta trong lịch sử” (Chủ biên, 1998); “Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam” (1998); “Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam” (2003)...Nhiều luận văn nghiên cứu của ông đã được công bố trong các chuyên san và tạp chí khoa học quốc tế có uy tín như: Dân tộc học Xô-viết (1961); ASEMI (1978), các kỷ yếu hội thảo quốc tế...bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga.
Ông đã được cử làm chủ nhiệm hai đề tài khoa học cấp Nhà nước: Văn hóa Việt Nam trong sự phát triển sắc thái văn hóa vùng và tộc người (1990-1995); Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc và sắc tộc trên thế giới và ở nước ta hiện nay. Chính sách dân tộc của Đảng (1995-2000). Ông còn làm chủ nhiệm bốn đề tài khoa học cấp Bộ, thành viên của sáu đề tài khoa học cấp Nhà nước...
Trên nửa thế kỷ qua, với tư cách là nhà giáo, nhà khoa học, ông đã dành toàn bộ tâm huyết với nghề. Đồng nghiệp và học trò tìm thấy ở ông không chỉ là trí tuệ mẫn tiệp và sự lao động miệt mài sáng tạo của một nhà khoa học chân chính mà còn tìm thấy cái tâm của nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ Thanh Lương-Phan Hữu Dật.
Nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ Phan Hữu Dật là hình ảnh tiêu biểu của người trí thức cách mạng trưởng thành dưới nền dân chủ mới. Ông là một trong những người đã góp phần làm rạng danh cho nền đại học và khoa học nước nhà nói chung và Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng. Trên con đường cách mạng và hành trình đến chân lý, ông đã vượt qua những chặng đường gập ghềnh của khoa học, như cách nói C. Marx mà ông đã viết trong phần mở đầu cuốn sách của mình.
Để tạm kết cho bài viết này, xin mượn lời của chính ông:
“... Mẹ ơi, sinh con ra nô lệ
Đâu nghĩ rằng con sẽ đổi đời
Thương mẹ suốt đời trong quạnh quẽ
Biết đâu con đã đến chân trời...”
(Chân trời- Trích trong tập Nhành mai vàng, 1996- Thơ Phan Hữu Dật).


               

Các công trình khoa học, các bài báo khoa học đã được xuất bản


Các công trình khoa học, các bài báo khoa học.
Dân tộc học Việt Nam 15 năm qua. Tạp chí Dân tộc học Xô viết, M., số 3, 1961.
Tư liệu về tổ chức xã hội và gia đình ở người Duộc. Tạp chí Dân tộc học Xô viết, M., số 5, 1961.
Các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn – Khơme ở miền Bắc Việt Nam. Tin tức hoạt động khoa học, số 3, 1964.
Quan hệ hôn nhân và gia đình của người Vân Kiều. Tạp chí Dân tộc học, số 34, 1964.
Sự phân kì xã hội nguyên thuỷ. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 108, 1968.
Dân tộc học và vấn đề Hùng Vương. Hùng Vương dựng nước, tập I. Nxb Khoa học Xã hội, 1970.
Vị trí của văn hoá Lạc – Việt thời Hùng Vương trong nền văn hoá Đông – Nam Á. Tạp chí Khảo cổ học, số 9-10, Hà Nội, 1971.
Ăngghen và Dân tộc học. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 140, 1971.
Về xác minh tên gọi và phân loại các ngành Dao ở Tuyên Quang (viết chung). TBKH SH, Tập V, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1971.
Pà Tẻn và mối quan hệ Mèo – Dao ở Việt Nam. Thông báo khoa học Sử học , tập VI. Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1973.
Tính chất của xã hội Việt Nam cuối thời Hùng Vương. Hùng vương dựng nước, tập II. Nxb Khoa học Xã hội, 1972.
Về sự hình thành tầng lớp quý tộc – thị tộc trong xã hội Hùng Vương. Hùng Vương dựng nước. Nxb Khoa học Xã hội,
Trống đồng Lũng Cú. Tạp chí Khảo cổ học, số đặc biệt về trống đồng, tập I, 1974.
Về tên gọi các tộc người nói ngôn ngữ Môn – Miên ở miền Tây tỉnh Quảng Bình. Vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, 1975.
Về quá trình phát triển các tộc người ở miền Bắc Việt Nam. Vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975.
Vài tư liệu về làng gốm Bát Tràng trước Cách mạng tháng Tám. Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập I. Nxb Khoa học Xã hội, 1977.
Những thành tựu bước đầu của ngành Dân tộc học Việt Nam. P. ASEMI, số 1-2 (Tập IX), 1978.
Về việc xác định các nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc của Đảng. Tạp chí Dân tộc học, số 4, 1988.
Vài ý kiến về việc xây dựng bảo tàng Việt Bắc thành bảo tàng dân tộc học quốc gia. Xây dựng bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam trên cơ sở phát triển bảo tàng Việt Bắc, 1990.
Giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ giữa các dân tộc. Tạp chí Dân tộc học, số 3, 1990.
Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam á. Kỉ yếu hội nghị Quốc tế ở Singapore về khu vực Thái Bình Dương, 1992.
Về hình thái hôn nhân con cô con cậu. Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1992.
Nguyễn Văn Huyên, nhà dân tộc học lớn (viết chung). Thông tin Khoa học Xã hội, số 5, 1992.
Tìm hiểu tư tưởng đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạp chí Lịch sử Đảng, số 2, 1993.
Bước đầu suy nghĩ về những quan điểm cơ bản trong việc xây dựng Luật về dân tộc. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2, 1993.
Về văn hoá vùng và dân tộc ở Việt Nam (viết chung). Văn hoá và phát triển kinh tế – xã hội. 1994.
Trở lại tên gọi một số dân tộc ở nước ta hiện nay. Tạp chí Dân tộc học, số 1, 1994.
Lễ hội Đồng Kị, truyền thống và hiện đại (viết chung). Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại. Nxb Khoa học Xã hội, 1994.
Các giáo trình, chuyên khảo, sách tham khảo
Cơ sở Dân tộc học. Nxb Đại học & Trung học chuyên nghiệp, 1973.
Văn hoá – lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á (chủ biên). Nxb Văn hoá Dân tộc, 1992.
Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam (viết chung). Nxb Văn hoá Dân tộc, 1993.
Phương sách dùng người của ông cha ta trong lịch sử (chủ biên).Nxb Chính trị Quốc gia, 1994.