Total Pageviews

11.3.13

THỬ PHÁC HỌA MÔ HÌNH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC NƯỚC TA


Đường lối của Đảng và Nhà nước ta là, trong sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi với từng thành phần dân tộc trong quốc gia dân tộc Việt Nam, đường lối của Đảng và Nhà nước ta là phát triển toàn diện. Vậy về phương diện văn hóa, làm sao để gìn giữ, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc có hiệu quả nhất? Một trong những biện pháp có tầm quan trọng hàng đầu là phải lựa chọn mô hình phát triển văn hóa các dân tộc. Mô hình phát triển là sự lựa chọn hướng phát triển, nội dung và cách thức phát triển để chủ động bảo đảm kết quả tối ưu theo một mục tiêu rõ rệt định sẵn, trong những điều kiện lịch sử cụ thể nhất định. Lịch sử thế giới và nước ta đã chứng minh rằng sự lựa chọn mô hình đúng hay sai quyết định sự thành công hay thất bại của mọi hoạt động của con người, của quốc gia. Từ sau Chiến tranh thế giới II đến nay nhiều nước thuộc thế giới thứ 3 không thành công trong sự nghiệp xây dựng đất nước vì đã phạm phải sai lầm trong việc lấy Phương Tây làm mô hình cho sự phát triển của mình. Đối với nước ta có một thời kỳ ta lấy đơn vị huyện làm mô hình cho sự phát triển đất nước điều này không đem lại kết quả tích cực. Trái lại có những mô hình do sự lựa chọn thích hợp, nên đang phát huy tác dụng như mô hình nông lâm kết hợp, hay trong phạm vi nhỏ hơn như mô hình vườn - ao - chuồng (VAC). Chúng tôi nhận thức rằng trong quá trình đi lên của đất nước, ta phải xây dựng nhiều loại mô hình. Riêng trong vấn đề văn hóa, và trong hệ thống đề tài chương trình KX-O6, cũng phải xây dựng nhiều mô hình khác nhau.
I. Những nguyên tắc chủ yếu chỉ đạo xây dựng mô hình tổng thể phát triển văn hóa các dân tộc nước ta
Để phát triển văn hóa các dân tộc nước ta, có thể lựa chọn nhiều loại mô hình khác nhau. Mô hình khác nhau vì chúng dựa trên những nguyên tắc chỉ đạo không giống nhau. Mô hình được phát họa ở đây dựa vào các nguyên tắc chủ yếu chỉ đạo như sau:
1. Những nguyên tắc chung
a/ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về cách mạng Việt Nam nói chung và đường lối văn hóa nói riêng, đặc biệt đường lối đổi mới của Đảng đã được hoạch định trong các Đại hội VI và VII của Đảng.
b/ Mô hình phải xuất phát từ tình hình cụ thể của Việt Nam, không được thoát ly tính đa dạng phong phú về tộc người bao gồm các cấp độ:
- Nhóm ngôn ngữ tộc người
- Từng tộc người
- Các bộ phận trong một tộc người. Mô hình phải phù hợp với vùng lãnh thổ và cảnh quan (rẻo cao, rẻo giữa, thung lúng) của các dân tộc nước ta. Hơn thế nữa, mô hình phải đảm bảo sự gìn giữ và phát huy tính đa dạng đó.
c/ Trong một chứng mực nhất định cần tham khảo kinh nghiệm thế giới trong việc xây dựng các loại mô hình liên quan đến văn hóa, để từ đó rút ra những suy nghĩ cần thiết, giúp cho sự phát họa mô hình phát triển văn hóa nước ta.
Theo tài liệu khoa học, hiện nay trên thế giới có 4 mô hình phát triển ngôn ngữ và văn hóa như sau:
- Song ngôn ngữ, song văn hóa: Ví dụ đây là trường hợp phát triển văn hóa của một bộ phận người Hoa chuyển sang cư trú làm ăn ở Mỹ, ở Inđônêxia hay ở Việt Nam (Chợ Lớn).
- Đơn văn hóa, đa ngữ: Ví dụ trường hợp Luxembourg. Ở đây chỉ có một nền văn hóa thống nhất, nhưng lại có 3 ngôn ngữ, các ngôn ngữ này không phân bố theo thang bậc đẳng cấp trong xã hội (thượng lưu, trung lưu, bình dân), mà theo tình hình sau đây. Trong nền giáo dục phổ thông: ở các lớp đầu sử dụng tiếng Luxembourg, các lớp sau: sử dụng tiếng Đức, ở lớp cuối: tiếng Pháp. Hoặc tiếng Luxembourg được sử dụng trong các phương tiện truyền thanh, tiếng Pháp chủ yếu dùng cho vô tuyến truyền hình, còn tiếng Đức dùng cho các thông báo, ghi nhãn hiệu. 
- Đơn ngữ, đa văn hóa: đây là trường hợp Nhật Bản. Thời Trung thế kỷ (từ thế kỷ IV đến thế kỳ XVII) tiếng Nhật là ngôn ngữ quốc gia, trong sự giao lưu văn hóa Nhật - Trung văn hóa Trung Quốc xâm nhập vào tầng lớp cao nhất trong xã hội Nhật. Còn văn hóa người Trung Quốc hải ngoại thì xâm nhập vào quảng đại nhân dân Nhật. Ở thời cận đại, trong quá trình Âu Tây hóa, văn hóa châu Âu xâm nhập mạnh vào Nhật nhưng tiếng Nhật vẫn là quốc ngữ, tiếng Anh bành trướng không đáng kể, so với tiếng Nhật.
- Đơn ngữ, đơn văn hóa: Đây là trường hợp phát triển văn hóa thường thấy ở các quốc gia không phải đa dân tộc, cũng thường thấy ở các cộng đồng cư dân sống ít nhiều biệt lập như ở rừng sâu, núi cao, hay ốc đảo, hải đảo v.v…
2. Những nguyên tắc chỉ đạo cụ thể
a/ Mô hình phải phù hợp với xu thế chung của toàn cầu hiện nay là văn hóa các dân tộc phải đi đôi với sự phát triển
b/ Mô hình phải đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng về mặt văn hóa các dân tộc Việt Nam
c/ Còn phải đáp ứng cao sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong phát triển văn hóa.
d/ Mô hình phải đảm bảo sự xích lại gần nhau, sự hòa hợp dân tộc, vốn là xu hướng chủ đạo trong mối quan hệ giữa các dân tộc nước ta trong trường kỳ lịch sử.
II. Mô hình tổng thể sự phát triển văn hóa các dân tộc nước ta
A. Nội dung mô hình
Nội dung mô hình gồm 2 yếu tố: ngôn ngữ và văn hóa. Nếu chúng ta nhận thức rằng ngôn ngữ là một dạng đặc thù của văn hóa, thì nội dung mô hình chỉ gồm có một yếu tố duy nhất là văn hóa. Mô hình tổng thể được gọi là song ngữ, song văn hóa hoặc đa ngữ, đa văn hóa. Nếu gọi một cách tóm tắt, ngắn gọn thì có thể gọi là mô hình đa văn hóa.
Đa văn hóa, đó là mô hình tổng thể phát triển văn hóa các dân tộc nước ta. Ngôn ngữ ở đây là nhân tố cơ bản của văn hóa, sư tồn tại và phát triển của cái này không thể thiếu cái kia. Ta chọn mô hình này vì quốc gia Việt Nam là đa dân tộc, do đó nó đa ngôn ngữ và đa văn hóa. Đó là thực tế khách quan, ta không thể đi ngược lại.
Bản chất văn hóa là đa dạng, tính đa dạng trong một nền văn hóa là tiềm năng và thế mạnh cần phải phát huy. Nếu giải quyết tốt, nó không những không phương hại tới sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam mà còn nâng cao sự thống nhất đó.
Với các dân tộc thiểu số ngoài tiếng mẹ đẻ, từng dân tộc thiểu số nước ta đều có trách nhiệm và quyền lợi học tập, sử dụng tiếng Kinh, tiếng của dân tộc đa số trong quốc gia, được Nhà nước công nhận là tiếng nói chính thức của quốc gia. Về phương diện văn hóa, từng dân tộc trong quốc gia Việt Nam thông qua văn hóa của dân tộc mình đều có mối giao lưu hàng ngày với văn hóa của dân tộc Kinh và dân tộc đa số.
Đối với dân tộc Kinh đa số: ngoài tiếng mẹ đẻ, còn học tập sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc ít người. Đối với dân tộc Kinh, ngôn ngữ dân tộc ít người không có tính chất quần chúng rộng rãi, bắt buộc, nó chỉ bó hẹp trong một số ít cán bộ công tác ở các vùng dân tộc, hay cán bộ nghiên cứu trong các cơ quan quản lý công tác dân tộc hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học mà thôi. Về phương diện văn hóa, đó là sự giao lưu văn hóa giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số.
Tóm lại: Nôi dung mô hình phát triển văn hóa ở đây là sự tương tác, là sự giao lưu giữa ngôn ngữ và văn hóa Kinh với ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc ít người ở nước ta.
Lịch sử giao tiếp, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đa số và thiểu số nước ta nói lên bức tranh hai chiều, một mặt người Kinh tiếp thu các yếu tố ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số, và mặt khác các dân tộc thiểu số tất nhiên cũng tiếp thu được nhiều yếu tố ngôn ngữ và văn hóa của người Kinh và thông qua ngôn ngữ của dân tộc Kinh mà tiếp thu thêm những thành tựu văn hóa của nhân loại. Sau đây là một số dẫn chứng:
Các yếu tố ngôn ngữ các dân tộc thiểu số mà dân tộc Kinh đã tiếp thu và làm giàu cho vốn từ vựng của ngôn ngữ mình (Các yếu tố Tày, Thái: khăn piêu, mặt phà, nậm pìa, hội lồng tồng) các yếu tố: Môn Khơ Me: cây thốt nốt. Phum sóc: ta leo, chà gạc, nhà rông, đàn tơ rưng, các yếu tố H’mông - Dao: thắng cố, mèn mén v.v… Về phương diện văn hóa ta thấy dân tộc Kinh tiếp thu rất nhiều yếu tố của các dân tộc ít người, như người Kinh tiếp thu kinh nghiệm làm mương phai của người Thái; Với người Chăm người Kinh đã tiếp thu kinh nghiệm dẫn thủy nhập điền trồng trọt lúa chiêm, nghề đi biển, âm nhạc, người Kinh còn tiếp thu nền y học cổ truyền các dân tộc thiểu số, các yếu tố tín ngưỡng dân gian v.v…
Trái lại các dân tộc thiểu số học tập, sử dụng tiếng Kinh, lấy rất nhiều từ vựng tiếng Kinh làm giàu cho ngôn ngữ của mình rõ rết hơn cả các từ vựng thuộc các lĩnh vực chính trị, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn học, nghệ thuật v.v… Còn về mặt văn hóa, văn hóa Kinh đã thực sự là tài sản chung của các dân tộc anh em trên nhiều lĩnh vực, và thông qua người Kinh, tiếng Kinh, các dân tộc tiếp thu thành tựu văn hóa, văn minh nhân loại và gia nhập từng bước vào đời sống quốc tê.
Trong văn hóa Kinh, cần phân biệt hai loại yếu tố: có loại là văn hóa Kinh thực sự, nhưng có loại không phải chỉ là của riêng văn hóa Kinh, mà còn là của các dân tộc thiểu số trong nước ta nữa. Đó là các yếu tố văn hóa được hình thành trong cuộc sống các dân tộc nước ta trong quá trình hình thành quốc gia thống nhất đa dân tộc, và khối cộng đồng dân tộc quốc gia, đặc biệt từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến nay trên đất nước ta. Người ta có thể không nhận rõ, thậm chí nhầm lẫn, cho tất cả của người Kinh, vì phương tiện chuyển tải các yếu tố văn hóa chung và mới này là tiếng Kinh.
B. Cấp độ
Vì bức tranh phân bố các dân tộc nước ta rất phức tạp và đa dạng, có vùng như Tây Bắc Việt Nam, ngoài tiếng Kinh và tiếng mẹ đẻ, các dân tộc ở đây ít nhất phải sử dụng thêm một ngôn ngữ nữa, ngôn ngữ Thái, dân tộc đa số trong vùng mà hàng ngày họ có mối quan hệ giao lưu văn hóa rất thường xuyên. Đối với Viêt-Bắc, đó là ngôn ngữ Tày - Nùng, với Bắc Tây Nguyên, đó là ngô ngữ BaNa, với Trung Tây Nguyên đó là ngôn ngữ Ê Đê v.v… Tuy nhiên, không phải nơi nào trong nước ta cũng có tình trạng đó. Có khi ngôn ngữ vùng đồng thời là ngôn ngữ Kinh, ví dụ đối với vùng Chăm ở cực Nam Trung Bộ Việt Nam hay đối với người Khơ Me ở đồng bằng sông Cửu Long v.v…
Dù sao đứng về cấp độ của mô hình mà nói, thì mô hình này có 3 cấp độ, được hình dung bằng 3 vòng tròn đồng tâm:
Vòng tròn ngoài là văn hóa quốc gia, tầm vĩ mô, vòng tròn thứ hai là văn hóa vùng, có tính cách trung gian, vòng trong cùng nhỏ nhất là văn hóa tộc người, hoặc trong điều kiện các dân tộc phân chia thành các nhóm nhỏ, ngành nhỏ thì đó là văn hóa của nhóm, địa phương tộc người.
Đứng về cấp độ vĩ mô, mô hình tổng thể hay mô hình chung, nội dung của mô hình là:
Về mặt ngôn ngữ: tiếng Kinh + tiếng mẹ đẻ từng dân tộc. Về mặt văn hóa: văn hóa Kinh + văn hóa từng dân tộc. 
Ghi chú: ở đây không tính đến các tiếng nước ngoài mà quốc gia dân tộc hiện nay đang giao tiếp, ví dụ tiếng Anh, Pháp, Nga v.v..
Đứng về cấp độ văn hóa vùng (mô hình địa phương)
Sở dĩ  có mô hình này là vì văn hóa các dân tộc phát triển không nhất loạt , tùy theo từng địa phương mà có mô hình phát triển riêng ở cơ sở, sao cho phát huy được vai trò truyền thống thế mạnh của địa phương để xây dựng đời sống văn hóa hiện đại. Có thể dựa vào văn hóa vùng để xây dựng các mô hình văn hóa địa phương này.
Về mặt ngôn ngữ:
- Tiếng Kinh ngôn ngữ chính thức của Quốc gia
- Tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc
- Tiếng dân tộc thiểu số, chiếm số đông cư dân trong vùng.
Ví dụ: Tiếng Thái ở Tây Bắc, tiếng Tày - Nùng ở Việt Bắc nước ta, đây là tiếng giao tiếp trong vùng.
Về mặt văn hóa:
- Văn hóa Kinh
- Văn hóa từng dân tộc cụ thể
- Văn hóa của dân tộc thiểu số mà chiếm số đông trong vùng và ngôn ngữ là ngôn ngữ giao tiếp vùng. Có điều cần chú ý là đối với văn hóa cấp vùng, tính đa văn hóa có khi đạt mức độ rất cao. Sự thật trong cuộc sống có dân tộc không phải chỉ sử dụng 2 ngôn ngữ mà là trên 2, và trong giao lưu văn hóa không phải chỉ có quan hệ giữa 2 dân tộc, mà là trên 2. Ví dụ người H’mông ở Hà Giang trong cuộc sống họ đã và đang giao tiếp và giao lưu với các dân tộc Kinh, Hoa, Tày, La Chí, Cơ Lao, Pu Péo, LôLô.
Lại cần phải thấy rằng có ngôn ngữ giao tiếp khu vực vượt ra khỏi phạm vi 1 vùng lãnh thổ nhất định trong 7 vùng được quan niệm hiện nay ở nước ta mà phân bố khắp dọc biên giới Quốc gia, ví dụ: tiếng Quan Hỏa ở biên giới Việt-Trung, thực sự đang là ngôn ngữ giao tiếp của các dân tộc nước ta và nước láng giềng suốt dọc biên giới Quốc gia phía Bắc.
Đứng về cấp độ vi mô (mô hình tộc người) đây là ngôn ngữ và văn hóa tộc người hoặc một bộ phận (nhóm địa phương, ngành) của tộc người. Mô hình này chỉ tồn tại, phát triển và đưa lại hiệu quả, một khi nó bảo tồn và phát huy được sắc thái, truyền thống văn hóa tộc người, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển hiện đại nâng cao chất lượng sống của bản thân từng dân tộc.
III. Những điều kiện chủ yếu để xây dựng mô hình
Để có thể xây dựng được mô hình làm định hướng cho sự phát triển văn hóa các dân tộc nước ta, cần phải thỏa mãn các điều kiện chủ yếu sau:
1. Trước hết phải tạo một môi trường thuận lợi để cho mô hình có thể vận hành được một cách bình thường, môi trường ở đây bao gồm môi trường sinh thái, môi trường nhân văn, môi trường xã hội. Nếu môi trường sinh thái bị hủy hoại, nếu cuộc sống con người nghèo nàn và lạc hậu, nếu xã hội không ổn định thì dù có xây dựng mô hình tối ưu, mô hình đó vẫn không đi được vào cuộc sống.
2. Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước với ba nguyên tắc cơ bản sau: đoàn kết - bình đẳng - tương trợ, các dân tộc ở nước ta, đa số cũng như thiểu số đều được duy trì và phát triển tiếng nói và văn hóa của mình. Tiếng nói là phương tiện quan trọng nhất để chuyển tải và giao lưu văn hóa. Không còn tiếng nói thì không thể nói gì đến giao lưu văn hóa nữa. Mà dân tộc nào trong nước ta không còn tiếng nói, không còn văn hóa, thì tính đa dạng của nước ta sẽ bị tổn thất nặng nề. 
3. Xưa nay trong vấn đề giao lưu văn hóa, bao giờ cũng theo hai con đường: còn đường của Nhà nước và con đường của nhân dân. Cần chú ý là nhân dân trong giao lưu văn hóa hay theo con đường tự phát, do đó vai trò của Nhà nước trong giao lưu văn hóa lại càng quan trọng.
Trong lịch sử phát triển văn hóa nước ta, có thể nói có tính truyền thống là sự giao lưu, hòa hợp dân tộc, nghĩa là tồn tại mô hình đa văn hóa. Từ năm 1945, tính đa văn hóa đó càng được tăng cường, có điều từ trước đến nay, ta theo mô hình đa văn hóa một cách bất giác, cho nên thực tế, ta có các việc làm phát huy văn hóa dân tộc, đồng thời có các việc làm không lợi cho sự phát triển tính đa dạng của văn hóa dân tộc.
Vì vậy, khi chấp nhận và khẳng định mô hình phát triển văn hóa các dân tộc nước ta là đa văn hóa, thì Đảng và Nhà nước phải luôn có ý thức về sự định hướng này cho sự phát triển văn hóa nước ta, để có những chủ trương, chính sách, biện pháp thích hợp và có hiệu quả. Ở đây khi nói đến vai trò điều tiết của Nhà nước đối với sự phát triển văn hóa các dân tộc, thì trước hết phải nói đến các vấn đề: 
            - Đưa nội dung văn hóa vào các dự án, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, ngắn hạn của đất nước qua các thời kì cụ thể.
            - Phải xây dựng một hệ thống chính sách bảo đảm cho ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc phát triển, tiến tới thể chế hóa các chính sách đó bằng pháp luật.
            - Đầu tư cho văn hóa một cách thích đáng, xem như đầu tư cho hạ tầng cơ sở, đầu tư cho việc thực hiện chiến lược con người, đầu tư cho động lực phát triển, đầu tư để thực hiện mục tiêu của sự phát triển.
            4. Để cho văn hóa phát triển, cần xây dựng những cơ sở đào tạo và nghiên cứu cần thiết. Cơ sở đào tạo để nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo trí thức nhân tài các dân tộc thuộc các lĩnh vực văn hóa, khoa học, nghệ thuật, quản lý. Sẽ là vô nghĩa nếu nói đến văn hóa các dân tộc phát triển, mà không có những đại biểu ưu tú người dân tộc thuộc những ngành hoạt động nói trên, không có các giáo sư, nghệ sĩ nhân dân, các văn nghệ sĩ..v.v.. người dân tộc. Cơ sở nghiên cứu và hợp tác khoa học trong nước và ngoài nước về những bộ môn văn hóa - nghệ thuật sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
5. Văn hóa cũng không thể phát triển nếu không có các cơ sở vật chất tối thiểu như các viện bảo tàng, các nhà hát, các làng văn hóa, Nhà xuất bản dân tộc, các hội nghề nghiệp có tính chất quần chúng liên quan đến các ngành hoạt động văn hóa, các cơ sở sản xuất truyền thống như các ngành nghề thủ công.
6. Cuối cùng phải nuôi dưỡng môi trường, tạo ra nề nếp sinh hoạt văn hóa thường xuyên từ cấp cơ sở đến trung ương để kích thích cho văn hóa phát triển, thông qua các lễ hội, các ngày, tuần, tháng văn hóa các dân tộc, các liên hoan dân tộc….
V. Một số kiến nghị cấp thiết, trước mắt để bảo đảm cho mô hình phát huy tác dụng
1. Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét mô hình đa văn hóa này. Nếu cần thiết, thì lập hội đồng đánh giá mô hình được đề nghị. Khi đã được nhà nước công nhận duyệt y, cần có văn bản pháp quy để phổ biến khắp toàn quốc, là cơ sở pháp lý để đưa nó vào cuộc sống. Cố nhiên, muốn vậy phải rà soát lại văn bản xây dựng mô hình, lập quy trình cụ thể, lên cơ chế bảo đảm sự tương tác thuận lợi giữa các yếu tố ngôn ngữ và văn hóa trong mô hình. 
2. Để tạo môi trường thuận lợi cho mô hình vận hành, cần có chính sách đặc biệt để cho một số dân tộc ít người có số dân quá ít (ví dụ mỗi dân tộc không quá 1 vạn người), không bị mai một trong tương lai gần, không bị loại ra khỏi danh mục các dân tộc nước ta, từng bước nâng cao đời sống của một số dân tộc có nhiều khó khăn, các dân tộc ở vùng sâu, xa xôi, hẻo lánh, cơ sở cách mạng, kháng chiến cũ, ngăn chặn tệ nạn đốt rừng làm rẫy, tàn phá môi trường sinh thái, phải có kế hoạch thật chu đáo, thật tỉ mỉ đối với di dân tại chỗ đến vùng khác sinh sống, làm ăn, giành đất để triển khai xây dựng các công trình kinh tế và quốc phòng v.v…
3. Khi mô hình đa văn hóa được Nhà nước chấp nhận, thì trước mắt cần rà soát lại một cách căn bản có hệ thống hai loại chính sách mà Nhà nước Việt Nam cách mạng đã ban hành từ năm 1945 đến nay, nghĩa là đúng nửa thế kỷ qua.
a/ Chính sách ngôn ngữ - chính sách ngôn ngữ của Nhà nước bao gồm các bộ phận:
- Việc phổ cập tiếng Kinh và chữ quốc ngữ cho các dân tộc thiểu số.
- Việc duy trì và phát triển tiếng nói của các dân tộc thiểu số.
- Việc đặc chữ cho một số dân tộc có nhu cầu và có điều kiện cũng như việc hoàn thiện chữ viết của một số dân tộc trước đây đã có chữ (ví dụ: chữ Thái).
Cần phải thấy rằng cho đến nay nhiều người ở nước ta khi nói đến ngôn ngữ các dân tộc thường chỉ nghĩ bó hẹp trong phạm vi giáo dục, đào tạo cán bộ, cố nhiên đây là vấn đề lớn, chúng ta đã để nhiều tâm sức và của cải, những kết quả đạt được còn rất hạn chế, nhất là việc dạy song ngữ ở các trường phổ thông trong các vùng dân tộc, nhưng vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi giáo dục, mà có tầm quan trọng rộng lớn hơn nhiều. Vì tiếng nói và chữ viết là phương tiện chủ yếu và quan trọng nhất chuyển tải và giao lưu văn hóa: ngôn ngữ đó là vận mạng của dân tộc.
Đối với các dân tộc chưa có chữ viết, thì cần nhận thức vấn đề như thế nào? Trên nguyên tắc bình đẳng dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh mỗi dân tộc trong quốc gia Việt Nam có quyền có chữ viết riêng của mình. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều dân tộc có số dân quá ít, thậm chí dưới 500 người mỗi dân tộc (như Ơ Đu, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, BRâu). Vì vậy, Nhà nước cần xem xét kỹ yêu cầu nguyện vọng của dân tộc và khả năng, điều kiện có được để giải quyết vấn đề này. Hiện nay chỉ có thể nói rằng: Trên đất nước ta có 54 dân tộc anh em sinh sống. Nhưng không nhất thiết trên đất nước ta cần có 54 ngôn ngữ cùng đồng thời hoạt động.
b/ Chính sách văn hóa - cần rà soát lại hệ thống chính sách văn hóa cho đến nay để từ đó rút ra kết luật cần thiết. Cần kiểm kê đánh giá lại toàn bộ di sản văn hóa các dân tộc để có thái độ xử lý phù hợp như đã nói ở trên. Công tác sưu tầm vốn cổ của văn hóa dân tộc, trước hết trong lĩnh vực văn hóa dân gian cần được tiếp tục triển khai, mở rộng. Cần xúc tiến việc dịch thuật ra tiếng Kinh, in ấn xuất bản, phát hành rộng rãi để tăng cường giao lưu văn hóa, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Việc phổ biến các giá trị văn hóa của các dân tộc có tác dụng tích cực giúp mọi người cùng hiểu, tôn trọng văn hóa các dân tộc anh em, tăng cường sự học tập lẫn nhau những cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc. Đã quá muộn, việc đưa vấn đề văn hóa dân tộc vào nhà trường, vào chương trình kế hoạch chính khóa và ngoại khóa về văn hóa địa phương và tộc người. Muốn vậy phải biên soạn sách giáo khoa có chất lượng cao.
Cần quý trọng bảo vệ, phát huy vai trò cá nhân của các nhà văn hóa dân tộc địa phương, coi đó là những người tiêu biểu xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc và địa phương, đào tạo và nuôi dưỡng nhân tố, những người tiêu biểu cho sự kế thừa và phát triển văn hóa mới của dân tộc và địa phương.
Trước mắt trong chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước ta có 2 lĩnh vực cần được giải quyết kịp thời.
- Đó là ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả tình trạng cào bằng việc về mặt văn hóa các dân tộc kể cả của các vùng người Kinh, làm cho tính đa dạng văn hóa bị giảm sút, dẫn đến nguy cơ mất tính đa dạng và khi ấy cũng không có gì để nói tính thống nhất vì đa dạng đã trở thành cái đơn nhất nghèo nàn về văn hóa, cũng cần khắc phục tình trạng mới chớm nở về sự hụt hẫng về phương diện văn hóa, do cái mới chưa kịp hình thành và định hình, để xảy ra sự nhiễu loạn trong văn hóa, được thể hiện khá rõ trong sự đảo lộn các chuẩn mực đạo đức của xã hội chúng ta hôm nay.
Chúng tôi không phản đối ý kiến cho rằng sự đồng hóa tự nhiên giữa dân tộc đa số và một số dân tộc thiểu số là điều không cưỡng lại được, nhưng đó là nói về lâu dài. Tôi nghĩ rằng Nhà nước cách mạng có thể điều tiết bằng một hệ thống biện pháp liên hoàn (vạch chính sách, xây dựng chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, ban hành luật pháp, đầu tư toàn diện và chiều sâu v.v…) hoàn toàn có đủ khả năng nếu không thủ tiêu được, thì ít ra cũng hạn chế, làm chậm lại quá trình đồng hóa tự nhiên đó.
Để gìn giữ đa dạng tộc người và vùng của văn hóa các dân tộc Việt Nam đề nghị Nhà nước xem xét và có biện pháp có hiệu quả thiết thực chặn đứng ngay quá trình đồng hóa tự nhiên đó đang diễn ra ở các vùng dân tộc nước ta.
4/ Trong mô hình đa văn hóa, đứng về cấp độ mà nói, có văn hóa vùng. Muốn vậy phải xem xét trong 7 vùng văn hóa hiện nay ở nước ta, vùng nào là cần có ngôn ngữ giao tiếp vùng và đối với từng vùng đó, ngôn ngữ giao tiếp là ngôn ngữ nào. Hiện nay, đối với vùng Tây Bắc có phải chỉ là tiếng Thái hay còn tiếng H’Mông, với vùng Việt Bắc có phải là tiếng Tày, Nùng hay còn thêm tiếng Quan Hòa (ở dọc biên giới Việt-Trung) ở Bắc Tây Nguyên có phải là tiếng Ba Na. Ở trung Tây Nguyên, có thể là tiếng Ê Đê không? Vấn đề này, cần có các cơ quan khoa học và quản lý xem xét, thống nhất ý kiến để trình cơ quan cấp Nhà nước duyệt y, sau đó cần có chính sách cụ thể để cho ngôn ngữ giao tiếp trong vùng có sức sống để đi vào cuộc sống hàng ngày của các dân tộc trong vùng.
Văn hóa-Phát triển và Bản sắc. Chương trình
KHCN cấp Nhà nước: Văn hóa văn minh vì sự
phát triển và tiến bộ xã hội, Hà Nội, 1995.
Phan Hữu Dật

No comments:

Post a Comment