Total Pageviews

6.3.13

DẤU VẾT HỆ THỐNG BỐN HÔN ĐẲNG Ở TÂY NGUYÊN - VIỆT NAM


Ở Tây nguyên, tộc người Ê - Đê ( cư trú chủ yếu ở tỉnh Đak LăK) có một tập tục trong hôn nhân mà các nhà Dân tộc học thường nói tới là tục nối nòi (euê nuê). Người ta xem đây là một tập tục khác thường, chỉ có ở người Ê - Đê, chứ không có ở bất kỳ tộc người nào trong số 53 tộc người còn lại ở Việt Nam. Cũng có người muốn tìm cách giải thích, nhưng chưa đi xa hơn việc xem đó là một vết tích của chế độ quần hôn nguyên thuỷ.
Nội dung của tục euê nuê  ở người Ê - Đê là “Bà chết, cháu thay”. Vì sao tập tục hôn nhân ở đây lại qui định ông được lấy cháu gái? Đối với chúng ta đây là tập tục không bình thường, nhưng đối với người Ê - Đê, nếu không như vậy, thì lại là không bình thường. Muốn giải thích vấn đề này, phải đi sâu tìm hiểu thêm thiết chế xã hội, hình thái hôn nhân gia đình của người Ê - Đê.
Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của các tộc người ở nước ta, ngoài người Ê - Đê, không thể tìm đâu ra tài liệu về vấn đề này để đối chiếu so sánh. Nhưng tìm hiểu tập tục hôn nhân của các tộc  người trên thế giới, cụ thể tìm hiểu chế độ hôn đẳng của thổ dân Úc, ta có thể may ra tìm được chìa khoá để giải mã tập tục nối nòi ở  người Ê - Đê .
Chế độ hôn đẳng ở Úc lần đầu tiên được nhà khoa học Anh L.Phai-Xơn khám phá vào cuối thế kỷ XIX. Ông đã tiên đoán đây là những hình thái của chế độ quần hôn. Thật vậy, các hôn nhân về nguồn gốc không có gì là những nhóm vợ chồng tiềm tàng của nhau. Sau này, LMoócgan và F. Ăngghen cũng nhân thức như vậy. Những công trình tiếp đấy của Howit, Spen-cer B. và Gillen F. đã khẳng định quan điểm nói trên.
Theo giáo sư S.A Tôcarép, chế độ hôn nhân ở Úc là hệ thông điều hoà hôn nhân của thổ dân Úc. Trong xã hội của thổ dân Úc ngoài chế độ ngoại hôn của thị tộc và bào tộc, còn có chế độ hôn đẳng làm chức năng điều hoà các mối quan hệ hôn nhân. Chế độ hôn đẳng là một sự kết hợp độc đáo của hai yếu tố: a Sự trực hôn vào bào tộc,  b. Việc tính theo thế hệ(1) . Ở Úc có chế độ 4 hôn đẳng, 8 hôn đẳng thậm trí 16 hay hơn nữa, 32 hôn đẳng(2) .
Ta hãy xem chế độ 4 hôn đẳng ở Úc và cơ chế hoạt động của nó .
Nói một cách khái quát ta có sơ đồ sau đây : Bộ lạc mẫu hệ chia làm 2 bào tộc (I và II). Bào tộc I có 2 hôn đẳng (A và B), bào tộc II có 2 hôn đẳng (C và D). Đàn ông ở hôn đẳng A chỉ có thể lấy vợ ở hôn đẳng C, con của họ thuộc hôn đẳng D. Đàn ông ở hôn đẳng B chỉ có thể lấy vợ ở hôn đẳng D, con của họ thuộc hôn đẳng C. Như vậy những người thuộc các thế hệ xen kẽ nhau một thế hệ đều cùng thuộc về một hôn đẳng (ví dụ các thế hệ 1,3,5 thì thuộc một hôn đẳng). Trong trường hợp tính huyết tộc theo dòng mẹ, thì đàn bà và cháu gái cùng thuộc một hôn đẳng, ( cháu gái ở đây hiểu theo nghĩa của hệ thống thân tộc kiểu phân loại bao gồm cháu gái ruột (cháu gái của con gái) cháu gái họ bậc II, bậc III v.v…). Hệ thống 4 hôn đẳng phổ biến ở nhiều bộ lạc Úc ( miền Nam, miền Tây, và một số vùng khác). Cần nói thêm là các bộ lạc này, mỗi bộ lạc đều bao gồm 2 bào tộc ; mỗi bào tộc gồm 2 hôn đẳng. Cấu trúc của các bộ lạc dù ở xa nhau vẫn giống nhau, cho nên một thổ dân Úc không thể lấy vợ ngoài người phụ nữ thuộc hôn đẳng được qui định của bộ lạc mình. Ở các bộ lạc khắp Úc, nơi có vận hành chế độ 4 hôn đẳng, đi đâu anh ta cũng có thể tìm cho mình người vợ thuộc hôn đẳng, giống như hôn đẳng vợ anh ta trong bộ lạc của anh ta .


Bào tộc I
Bào tộc II
Thế hệ
Hôn Đẳng A
Hôn Đẳng B
Hôn Đẳng C
Hôn Đẳng D
a
A

C

b

B

D
c
A

C

d

B

D
đ
A

C

e

B

D


Chú thích :
Một bộ lạc Úc có 2 bào tộc (I và II) ; mỗi bào tộc ngoại hôn có hai hôn đẳng. Bào tộc I co hai hôn đẳng A và B ; bào tộc II có hai hôn đẳng C và D.
a/ Nếu một người đàn ông ở hôn đẳng A lấy vợ, anh ta không thể lấy vợ ở hôn đẳng B được, vì A và B đều thuộc một bào tộc, (bào tộc I). Đặc điểm của bào tộc cũng như thị tộc ( bào tộc là thị tộc mẹ) là ngoại hôn. Anh ta chỉ có thể lấy vợ thuộc một trong hai hôn đẳng của bào tộc II. Theo qui định của luật tục Úc, anh ta lấy vợ ở hôn đẳng C . Vì ở thổ dân Úc, huyết tộc tính theo dòng mẹ, nên con của anh ta thuộc hôn đẳng D .
b/ Người đàn ông ở hôn đẳng B lấy vợ ở hôn đẳng D, con của anh ta thuộc hôn đẳng C.
c/ Người đàn ông ở hôn đẳng A lấy vợ ở hôn đẳng C, con của anh ta thuộc hôn đẳng D.
d/ Người đàn ông ở hôn đẳng B lấy vợ ở hôn đẳng D, con của anh ta thuộc hôn đẳng C.
đ/ Người đàn ông ở hôn đẳng A lấy vợ ở hôn đẳng C, con của anh ta thuộc hôn đẳng D.
e/ Người đàn ông ở hôn đẳng B lấy vợ ở hôn đẳng D, con của anh ta thuộc hôn đẳng …
Nhìn sơ đồ ta thấy, ở cùng hôn đẳng là những người thuộc các thế hệ xen kẽ nhau một thế hệ. Ta thấy rõ hôn đẳng ở đây là sự kết hợp giữa hai yếu tố : việc trực thuộc vào bào tộc và việc tính theo thế hệ. Sự trực thuộc vào bào tộc được thực hiện ở chỗ : các hôn đẳng trong cùng một bào tộc thì không được lấy nhau. Việc tính theo thế hệ được thể hiện xen kẽ nhau trong một thế hệ . Muốn vậy, cơ chế vân hành của hệ thống 4 hôn đẳng là con không thuộc hôn đẳng mẹ mà thuộc hôn đẳng khác nằm trong cùng bào tộc của mẹ .
Trong công trình “Hệ thống thân tộc và hôn nhân”  Robin Fôx vạch ra một sơ đồ hệ thống 4 hôn đẳng ở Úc như sau : “Trong hệ thống 4 hôn đẳng, các thành viên mỗi bộ lạc chia làm 4 nhóm, ví dụ 1,2,3,4. Theo qui tắc hôn nhân ở đây, nhóm 1 chỉ có thể lấy vợ ở nhóm 2 ; nhóm 3 chỉ có thể lấy vợ ở nhóm 4. Nếu một người đàn ông ở nhóm 1 láy một người đàn bà ở nhóm 2 thì con của họ sẽ ở nhóm 3 ; nếu một người đàn ông ở nhóm 2 lấy vợ ở nhóm 1 thì con của họ sẽ ở nhóm 4 ; nếu một người đàn ông ở nhóm 3 lấy vợ ở nhóm 4 thì con của họ sẽ ở nhóm 1 ; nếu một người đàn ông ở nhóm 4 lấy vợ ở nhóm 3 thì con của họ sẽ ở nhóm 2”. Hệ thống này được hình dung một cách tổng quát như sau:



Mặc dù sơ đồ của Robin Fox không rõ rệt bằng sơ đồ của S.A.Tôcarép được trình bày ở trên, nhưng ở Robin Fox ta cũng thấy trong một hôn đẳng gồm những người thuộc các thế hệ xen kẽ nhau một thế hệ.
Như vậy trong hệ thống 4 hôn đẳng, bà và cháu gái cùng thuộc một hôn đẳng. Nếu ông ở A lấy bà ở C, thì con (trai,gái) của họ ở D. Nếu một người đàn ông ở B lấy con gái ở D, thì con gái của con gái ấy (cháu gái) thuộc C, nghĩa là thuộc cùng một hôn đẳng với bà.
Theo luật tục của thổ dân Úc, nam nữ trong cùng lớp hôn dẳng không được lấy nhau. Chỉ có trao đổi hôn nhân giữa 2 hôn đẳng khác nhau. Nếu 2 hôn đẳng A và C được phép trao đổi hôn nhân thì về nguyên tắc, tất cả đàn ông ở A là chồng của tất cả đàn bà ở B và ngược lại, đây là nguyên tắc của quần hôn, của hôn nhân theo nhóm mà trước đây đã từng tồn tại trong xã hộ nguyên thuỷ. Vì cháu gái cùng hôn đẳng với bà, nên “bà chết cháu thay” là chuyện đương nhiên. Người đàn ông có tuổi (ông) khi vợ “bà” chết, muốn tiếp tục có vợ theo lẽ thông thường, không tìm người phụ nữ thuộc thế hệ mình hoặc vợ mình (đã chết) làm vợ, vì người phụ nữ ấy đã tuổi cao, mà bao giờ cũng tìm người phụ nữ ít tuổi hơn vợ mình, có khi tìm một người con gái son trẻ làm vợ. Trong hệ thống 4 hôn đẳng, cùng trong một hôn đẳng là những người thuộc các thế hệ xen kẽ nhau một thế hệ, nên nếu không tìm vợ mới trong thế hệ của mình, thì chỉ có tìm vợ trong thế hệ cháu vợ mình. Tục euê nuê, nối nòi, “bà chết,cháu thay” ở người Ê - Đê do đó mới nảy sinh được… Không phải ngẫu nhiên mà trong cách xưng hô của người Ê – Đê, cháu gọi bà là amai (chị) ; bà gọi cháu là em gái (adeim-nei), ông và cháu rể là anh em đồng hao (rach tô)  . Bà và cháu là chị em cùng một hôn đẳng, ông và cháu rể là anh em đồng hao cũng vì lý do ấy.
Tục nối nòi ở người Ê-Đê làm ta liên tưởng đến chế độ 4 hôn đẳng ở Úc; còn một lý do khác nữa, đó là người Ê-Đê có tục trao đổi hôn nhân giữa hai hệ dòng Niê và Mlô. “Toàn bộ các dòng họ của hai dân tộc này được qui thành hai hệ dòng Niê và Mlô, đồng bào gọi là gắp djuê, trong đó các dòng họ trong mỗi hệ dòng có thể là do sự phân chia của nó mà có. Nhiều họ trong Niê cũng như trong Mlô đến nay vẫn giữ tên cũ kèm theo tên mới như Niê Kđăm, Niê Siêng, Niê Sor….; Mlô Đuôi du, Mlô Hút, Mlô Đuôn rao. Quan hệ hôn nhân không những bị cấm trong dòng họ mà cả trong hệ dòng. Những trường hợp vi phạm nguyên tắc ấy đều coi là “loạn luân” và bị phạt bằng gà trắng, lợn trắng, trâu trắng . Giáo sư Bế Viết Đẳng cho rằng hai hệ dòng Niê và Mlô ở người Ê-Đê là tàn tích của tổ chức lưỡng hợp . Có thể là như thế, nhưng gần hơn và cụ thể hơn, có lẽ đây là dấu vết hiếm hoi của bào tộc còn được duy trì xã hội người Ê-Đê ngày nay. Và nếu quả thực đây là bào tộc thì trong tập tục hôn nhân ở người Ê-Đê ta cũng thấy có sự kết hợp độc đáo giữa hai yếu tố mà giáo sư S.A.Tôcarep đã nêu ở trên.
Trong lịch sử hôn nhân và gia đình của loài người, xu hướng phát triển là ngày càng hạn chế quan hệ tính giao giữa những người cùng và gần gũi về huyết tộc, hạn chế từ gần đến xa. Việc xuất hiện chế độ ngoại tộc hôn là một sáng tạo vĩ đại của loài người. Nhưng chưa đủ cần phải có thêm những thiết chế mới. Chế độ hôn đẳng ở Úc ra đời cũng là nhằm điều hòa quan hệ hôn nhân, và hạn chế thêm một bước quan hệ tính giao giữa những người cùng huyết tộc. Mọi người đều biết, theo nguyên tắc thị tộc ngoại hôn, tất cả đàn ông ở thị tộc A là chồng của tất cả đàn bà ở thị tộc B và ngược lại. Việc thiết lập chế đọ 4 hôn đẳng, qui định một hôn đẳng chỉ bao gồm những người thuộc các thế hệ xen kẽ nhau một thế hệ , làm cho những người thuộc hai thế hệ kế tiếp nhau (ví dụ thế hệ bố mẹ và thế hệ con cái) không thể có quan hệ tính giao với nhau được. Tuy vậy, chế độ 4 hôn đẳng vẫn còn có nhược điểm là ông lấy cháu gái. Nhược điểm này sẽ được khắc phục trong các chế độ hôn đẳng phức tạp hơn, và trong quá trình phát triển đi lên của hôn nhân và gia đình của loài  người .
Nếu hai tộc người ở Inđônêxia là Minangkabau (theo mẫu hệ) mà không có tập tục hôn nhân liên minh 3 thị tộc và Batắc (theo phụ hệ) mà có tập tục này, không làm cho ta đi đến kết luận là tộc người Batắc chậm tiến hóa hơn tộc người Minangkabau, mà tình hình đó lại nói lên sự thống nhất trong đa dạng của sự phát triển nhân loại. Do đó ta cũng không thể lấy sự tồn tại của hệ thống hôn nhân 4 hôn đẳng của thổ dân Úc hay người Ê-Đê nước ta mà đi đến kết luận là họ là những người chậm tiến..Trái lại họ cho ta thêm dẫn chứng để nói lên rằng thổ dân Úc và người Ê-Đê dù ở cách nhau rất xa lại bị biển rộng ngăn cách, nguồn gốc lịch sử, ngôn ngữ, nhân chủng, văn hóa, quá trình phát triển lịch sử v.v… khác nhau, nhưng có nét tương đồng. Điều này một lần nữa cũng nói lên sự thống nhất trong đa dạng của sự phát triển nhân loại.
Tạp chí Dân tộc học, số 4, 1991
Phan Hữu Dật

No comments:

Post a Comment