Total Pageviews

5.3.13

CHIẾC TRỐNG ĐỒNG LŨNG CÚ


Tháng 3 - 1970, trong khi điều tra Dân tộc học ở xã Lũng Cú, huyện Đông Văn (Hà Giang), chúng tôi được xem một chiếc trống đồng để tại nhà ông Vương Sỹ Thuấn, phó chủ tịch xã người dân tộc Lô Lô.
Chiếc trống có thể thuộc dạng quá độ tù loại 1 sang loại 4 theo cách phân loại của người Hê - gơ. Trống cao 37cm, đường kính mặt 61cm, đường kính chân trống 56cm. Tang nở, thân co, chân choãi. Trống có nhiều quai, bố trí thành từng cặp 2 cái một. Quai dài 14cm, rộng 5cm, dày 0cm25. Mặt và tang trang trí hoa văn nét nổi. Chính giữa mặt trống hình ngôi sao 12 cánh. Tiếp đến là hai đường vòng tròn nổi, vòng trong có đường kính 13cm. Phía ngoài hai đường tròn này, các vành trang trí, đến 1 vành không hoa văn, 1 vành có hoa văn, lại 1 vành không hoa văn, và cuối cùng là 1 vành có hoa văn. Các đồ án hoa văn gồm có văn vòng tròn chấm, đường thẳng song song hương tâm,  đường gấp khúc hoặc nửa hình thoi, hình người hóa trang cách điệu và có thể, hoa văn chữ viết. Ở tang cũng có những hoa văn như trên mặt trống.
Ngoài chiếc trống mà chúng tôi trực tiếp nghiên cứu, theo lời kể của các cụ già Lô Lô thì, trước đây Lũng Cú có trên 20 chiếc trống đồng (hiện chỉ có 3 chiếc). Ở Sở Văn hóa Hà Giang có lưu trữ một chiếc. Ở xã Lũng Táo huyện Đồng Văn trước có 2 chiếc, và năm 1967, khi cày nương, nhân dân địa phương tìm thêm được một chiếc nữa. Trước đó ở xã Xà Phìn, ở xã Phổ Cáo (Đồng Văn) mỗi nơi tìm được 1 chiếc. Người Lô Lô ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) hiện nay còn giữ 2 chiếc trống đồng.
Các cụ già Lô Lô cũng còn kể rằng trước đây họ thường dùng hai loại trống đồng. Trong đó có loại trống trang trí hình rồng có khoan lỗ thủng trên mặt. Về hình dạng loại trống này nhỏ hơn loại trống có 12 cánh nói trên. Loại này nay không thấy. Nhân dân địa phương tin rằng loại trống có hình rồng linh thiêng hơn. Khi đào lên để dùng phải cúng lễ to và chỉ cần đánh 3 tiếng trống đã động thấu trời đất và hồn người chết đã có thể về được nơi sinh ra đầu tiên. Nhân dân vùng này còn lưu truyền rằng loại trống này mang qua sông phải rất cẩn thận, phải có dây thật chắc buộc vào quai để giữ, vì nếu không thì rồng trên mặt trống sẽ bay ra đánh nhau với rồng dưới sông, và có thể bay mất cùng với trống ; người mang trống cũng sẽ bị nước cuốn chết.
Người Lô Lô, người Mèo và người Pu Péo ở trong huyền Đồng Văn có kể lại rằng trước đây người Pu Péo cũng có trống đồng giữa mặt có ngôi sao 5 cánh, chung quanh có trang trí văn hoa lá.
Như vậy là, bằng những hiện vật còn lưu giữ lại đến nay, và dựa vào lời kể của người địa phương, ta có thể biết được người Lô Lô, người Pu Péo ở Đồng văn trước đây đã từng dùng trông đồng. Chiếc trống mà chung tôi nghiên cứu có dáng hình và hoa văn thuộc loại 1 và quá độ chuyển sang loại 4 Hê - gơ, có thể có niên đại khá sớm. Từ đấy, cũng có thể nghĩ là người Lô Lô đã có truyền thống dùng trống từ lâu.
Chúng tôi cũng đã ghi nhận được qua ký ức của người Lô Lô về tập tục dung trống có liên quan đến lịch sử di cư của người Lô Lô.
Theo tài liệu điều tra dân số ngày 1-3-1960, ở Việt Nam có 6.878 người Lô Lô. Đồng bào Lô Lô chủ yếu ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai. Ở Hà Giang có 700 người, chủ yếu ở Đồng Văn và Mèo Vạc. Người Lô Lô tùy theo sự khác nhau về cách ăn mặc và trang sức mà chia làm 4 ngành : đen, trắng, đỏ, và hoa. Ngôn ngữ của người Lô Lô thuộc nhóm Tạng - Miến. Trong ngũ hệ Hán - Tạng, người Lô Lô sống bằng nghề trồng trọt từ lâu đời. Theo các lời kể của các cụ già Lô Lô, thì khoảng gần 100 năm trước đây người Lô Lô vần còn dùng cuốc gỗ để trồng trọt.
Ngoài nước ta, người Lô Lô còn cư trú ở Miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Miến Điện. Địa bàn sinh tụ từ xa xưa của người Lô Lô là ở vùng Tây Nam Trung Quốc. Từ đó, trong những thời kỳ lịch sử khác nhau người Lô Lô di cư tới phía Bắc Miến Điện và phía Bắc nước ta. Ở vùng cực Bắc nước ta, người Lô Lô đã ở từ rất sớm, và bằng lao động của mình đã góp phần xây dựng nên Tổ Quốc Việt Nam tươi đẹp ngày nay. Ngày nay ở nhiều dân tộc ở Đồng Văn, như Mèo, Dao, Tày, Hoa,… vẫn còn cúng ma Lô Lô để tỏ lòng biết ơn công lao khai phá của người đi trước, cũng như hiện tượng nhiều vùng ở Đồng Văn tuy các dân tộc khác ở nhưng mang tên đất bằng tiếng Lô Lô, nói lên điều đó… Cho đến nay, những người Lô Lô ở Hà Giang với những người Lô Lô ở bên kia biên giới Việt - Trung vẫn còn mối quan hệ thân tộc. Người Lô Lô Đồng Văn hiện còn giữ tục đưa hồn người chết về nơi sinh tụ đầu tiên. Qua các địa danh được kể trong các bài cúng ma người chết, cũng có thể tìm ra được dấu vết về con đường di cư của đồng bào.
Loại trống đồng hiện nay tìm được ở Lũng Cú liên quan rất chặt chẽ đến việc cúng ma người chết, đến việc đưa hồn người chết về nơi cũ. Đồng bào kể lại, trống đồng là vật kỷ niệm quý báu của tổ tiên. Đi đâu phải mang trống đồng theo đó. Có tiếng trống đồng hồn mới tìm được đương về “tung làn mố” nơi rừng rậm núi cao có hang đá, nơi mặt trời lặn, mà từ đó người Lô Lô chia 4 đường đi các nơi khác làm ăn, sinh sống. Theo tập tục, chỉ có làm ma người lớn tuổi mới đánh trống đồng. “Khi không dùng, đồng bào chôn trống đồng xuống đất, ở nơi sạch sẽ, kín đáo, gần nhà, để mặt trống trở xuống dưới, chân trống trở lên trên, rồi lấy đất phủ lại. Chỉ khi nào có người chết mới được đào lên, lúc đào lên có cúng rượu, cơm, thịt cho ma trống và có khấn : “chúng tôi đào lên sẽ chôn lại, xin ma trống bảo vệ làng bản yên lành, phù hộ cho mùa màng tươi tốt.”
Khi dùng trống, đồng bào bao giờ cũng dùng trống 2 chiếc một lần, 1 chiếc đực, 1 chiếc cái. Trống treo trên giá đặt ở phía chân người chết; mặt của hai chiếc trống quay lại với nhau. Người đánh trống đứng ở giữa, cầm dùi đánh bằng 2 đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống. Người đàn ông đánh trống thì phải là người chưa vợ hoặc vợ không phải trong thời kỳ thai nghén. Theo đồng bào cho biết thì phải có 36 điệu trống tiếng trống đực kêu nhỏ hơn tiếng trống cái.
Khi có người chết thì người ta đào trống lên ngay, nhưng trống chỉ được đánh vào buổi chiều và buổi tối trước khi đưa đám ma. Sáng mai đưa ma xong là lại bí mật chôn trống đi ngay. Khi đánh trống cũng là lúc người ta đọc bài cúng đưa hồn người chết và nhảy múa xung quanh xác người chết. Về vấn đề này người Lô Lô Lũng Cú cách đây không lâu còn có tập tục : khi trong bản có người chết, người ta liền tuyển lựa một toán đàn ông bí mật đi vào rừng, trút quần áo, lấy là ngụy trang toàn người, đeo mặt nạ và trở về làng. Trên đường về làng mọi người đều phải lánh mặt, nhất là đàn bà, vì gặp ai là đoàn hóa trang cũng có thể lấy gậy đánh, hoặc lấy đá ném, nếu ai trúng rủi chết cũng không bắt vạ được. Để giữ bí mật cho đoàn hóa trang, phòng khi do nhảy múa mà lá ngụy trang rơi, người ta có cử 2-3 người đàn ông đi theo phục vụ. Những người nhà không phải hóa trang, nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật, khi nhảy múa những người hóa trang không được nói, cười. Uống cũng phải dùng ống sậy dài mà hút nước ở bát. Xong đám ma, những người này lại vào rừng trút lá ngụy trang, mặc quần áo, bí mật trở về làm ăn, sinh sống như cũ. Đồng bào tin rằng nếu để cho dân bản biết những ai đã hóa trang thì bản sẽ gặp những điều không may như mất mùa, bệnh tật. Có lẽ đấy là dấu vết một hội kín đàn ông mà dân tộc học thế giới đã nói đến ở một số nơi như người Mê-la-nê-diêng ở châu Đại Dương chẳng hạn.
Nhưng nếu nhảy múa 9 lần theo điệu “gà lu” chung quanh xác chết theo nhịp trống đồng thì không phải chỉ có những đàn ông hóa trang, mà còn cả đàn bà. Một đoàn nhảy múa như vậy khoảng vài chục người những chiếc ruột trâu, bò, lợn được thổi phồng theo dạng dương vật và âm vật. Ở đây theo tập tục liên quan đến chôn cất người chết, có thể hiện những dấu vết của việc thờ sinh sôi nảy nở điển hình cho cư dân trồng trọt.
Trong số những người tham gia nhảy múa, có người đeo một cái túi vải bên hông. Ngày nay, trong túi vai đó thường đựng đầu lâu giả của người mới chết làm bằng gỗ bọc vải ở ngoài hoặc bằng quả bầu có tô vẽ mặt người. Nhưng theo các cụ già Lô Lô kể thì hàng trăm năm trước túi vải ấy đựng đầu lâu thật của người mới chết và người ta mang đầu lâu người chết để nhảy múa. Đám ma xong người ta bỏ đầu lâu vào hộp gỗ, đem để dưới mái núi đá hoặc trong hốc đá gần nhà. Đàn bà không được đến gần nơi này. Xác người còn lại thì đem chôn. Khi thịt đã rữa thì lấy 2 xương đùi bỏ vào hộp gỗ cùng chiếc sọ. Ngày nay ở dưới các mái đá núi gần nhà của người Lô Lô vẫn còn những hộp đựng sọ người và xương người như vậy. Và người ở Đông Văn, trong những vùng của người Lô Lô ở trước kia, còn có những hốc đá chứa hàng chục sọ người. Trong tín ngưỡng của người Lô Lô, sọ người chết là vật rất linh thiêng. Người ta cho rằng nhờ những chiếc sọ này mà người Lô Lô có thể sinh sôi nảy nở được. Vấn đề này cũng có liên quan đến tục săn đầu lâu trước đây của người Lô lô để làm nơi ở cho ma lúa. Ở đây nữa, lại ,một tập tục xa xưa của cư dân trồng trọt.
Để kết thúc chúng tôi xin nêu mấy ý kiến sau đây :
       1. Chiếc trống đồng làng Lũng Cú được mô tả ở trên là một hiện vật của nề văn hóa Đông Sơn. Theo phân loại của Hê-gơ, có thể đây là chiếc trống thuộc loại qua độ từ 1 đến loại 4 .
2. Hiện tượng miền núi cực Bắc Hà Giang có nhiều trống đồng như vậy chứng tỏ trống đồng được phân bố rất rộng rãi, ở cả tộc người nói ngôn ngữ Tạng-Miến và “Ka-Đai”.
3. Việc dùng trống đồng ở đây liên quan rất chặt chẽ đến việc chôn cất người chết.
4. Tập tục dùng trống đồng hiện nay ở người Lô Lô Hà Giang có thể cung cấp cho ta vài gợi ý về công dụng của những chiếc trống đồng Đông Sơn nổi tiếng, về vài khía cạnh của sinh hoạt tinh thần độc đáo và phong phú của dân tộc ta thuở bình minh của lịch sử dân tộc.
Phan Hữu Dật
Tạp chí “Khảo cổ học”
số đặc biệt về trống đồng - Tập 1, 1974

No comments:

Post a Comment