Total Pageviews

6.3.13

DẤU VẾT BÀO TỘC Ở NGƯỜI Ê ĐÊ


Năm 1991, trong tạp chí Dân tộc học, số 4, khi viết về Dấu vết hệ thống bốn hôn đẳng ở Tây Nguyên Việt Nam đề cập đến hai “hệ dòng” Niê và Mlô, tôi đã nêu ý kiến cho rằng đây là dấu vết hiếm hoi của bào tộc còn được duy trì trong xã hội người Ê Đê ngày nay. Trong bài nghiên cứu này, tôi tiếp tục trình bày rõ ý kiến đó.
Khi nghiên cứ xã hội nguyên thủy, GS.AI.Persix cho rằng trong thời kỳ tan rã của xã hội nguyên thủy có xuất hiện một loại công xã láng giềng với sự bảo lưu của nhiều tàn dư xã hội thị tộc, gọi là công xã láng giềng nguyên thủy1.
Tiến sĩ Lưu Hùng, sau khi nghiên cứu Buôn làng cổ truyền xứ Thượng đã đi đến kết luận như sau: Buôn làng như thế hiển nhiên đã không còn mang tính chất công xã thị tộc nữa, nhưng cũng chưa là công xã láng giềng đích thực, có thể xếp nó vào dạng công xã láng giềng nguyên thủy2.
Trong bài bào Bàn về những quan hệ xã hội ở Nga (năm 1875) Ăngghen đã chống lại quan điểm của phái dân túy mà đại diện là Tcatrốp, cho rằng nước Nga có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội thông qua các công xã. Ănggen cho rằng con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải thông qua công xã mà là thông qua cách mạng vô sản. Tuy nhiên, trong trường hợp thắng lợi của cách mạng vô sản và chuyển tư liệu sản xuất sang sở hữu tập thể, thói quen của công xã và tàn dư sở hữu tập thể cổ xưa là phương tiện mạnh mẽ để rút ngắn quá trình chuyển sang chủ nghĩa xã hội.
Việc tìm hiểu các thiết chế xã hội cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên sẽ góp phần tích cực vào quá trình xây dựng hệ thống chính trị mới ở nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ trước đến nay, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài thường hay nói các dân tộc Tây Nguyên nước ta còn bảo lưu nhiều tàn dư của xã hội nguyên thủy. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng những tàn dư đó được biểu hiện như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học thường nêu lên những dẫn chứng về những khía cạnh khác nhau của đời sống dân tộc.
Về mặt tôn giáo - tín ngưỡng, đó là những tàn dư của tô tem giáo, hình thái tôn giáo điển hình cho xã hội thị tộc;
Về phương diện sở hữu, đó là sự tồn tại của chế độ sở hữu tập thể, công cộng của buôn làng;
Về mặt hôn nhân và gia đình, đó là những tàn dư của chế độ quần hôn, của đại gia đình mẫu hệ với những chiếc nhà dài điển hình, đó là việc tính tư hệ theo dòng mẹ hay theo dòng bố, đó còn là chế độ cư trú trong hôn nhân;
Về phương diện xã hội, đó là sự vận hành đời sống buôn làng theo luật tục, vai trò quan trọng của già làng... Cho đến nay vẫn chưa có những công trình khôi phục lại cấu trúc của xã hội nguyên thủy của xã hội thị tộc ở đây theo sơ đồ chung của loài người mà ta có thể hình dung là 1 ngôi nhà 4 tầng, từ tầng 1 đến tầng 4 là thị tộc - bào tộc - bộ lạc - liên minh bộ lạc.
Cố nhiên xã hội các dân tộc Tây Nguyên cho đến năm 1945 là một xã hội nguyên thủy tan rã, cấu trúc xã hội thị tộc không còn được bảo lưu nguyên vẹn, mà các nhà khoa học trong trường hợp may mắn chỉ còn tìm lại những mảnh vụn của xã hội từng một thời thể hiện sức sống mãnh liệt ở đây mà thôi.
GS. Bế Viết Đẳng - Nguyễn Nam Tiến trong bài viết Về tổ chức lưỡng hợp ở người Ê Để cho rằng trong xã hội hiện nay ở người Ê Đê còn nhiều dòng họ nhưng có thể gộp lại thành 2 khối (hoặc hai hệ) Mlô và Niê. Hôn nhân trong nội bộ một dòng họ bị cấm ngặt. Hôn nhân giữa các dòng họ trong một hệ cũng bị cấm. Ngày nay cũng có thể bắt gặp người hai họ trong một hệ kết hôn với nhau, nhưng đồng bào Ê Đê coi đó là vi phạm luật tục. Tính chất lưỡng hợp thị tộc hay sự phân đôi của bộ lạc (và của bào tộc) được minh chứng bằng câu hát: Mlô lớn phải nuôi Niê, Niê lớn phải nuôi Mlô. Hai họ cùng nuôi nhau và lấy nhau .
Theo PGS. Khổng Diễn trong bài viết Những đặc điểm xã hội, hôn nhân và gia đình của các dân tộc bản địa ở Trường Sơn – Tây Nguyên một đặc điểm nữa đáng lưu ý là ở người Ê Đê có khá nhiều dòng họ (Djuê), nhưng suy cho cùng chỉ có 2 họ là Niê và Mlô, mỗi họ lại được chia nhiều chi, các chi tộc cùng một nửa, không được quan hệ hôn nhân với nhau. Đây có thể là dấu vết còn lại của một tổ chức thị tộc lưỡng hợp 1.
Đề cập đến quan hệ xã hội của người Ê Đê, GS.Bế Viết Đẳng còn viết cụ thể hơn: “Những tàn tích của tổ chức lưỡng hợp còn được quy thành hai hệ dòng Niê và Mlô, đồng bào gọi là gặp djuê trong đó các dòng họ trong mỗi hệ dòng có thể là do sự phân chia của nó mà có. Nhiều họ trong Niê cũng như trong Mlô đến nay vẫn giữ tên cũ kèm theo tên mới như Nie Kđăm, Niê Siêng, Niê Sơn ...., Mlô Duôn Du, Mlô Hút, Mlô Duôn Đao. Quan hệ hôn nhân không những bị cấm trong dòng họ mà cả trong hệ dòng. Những trường hợp vi phạm nguyên tắc ấy đều bị coi là loạn luân và bị phạt bằng gà trống, trâu trắng”2.
Trong cuốn sách Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam bằng tiếng Pháp, tập thể các tác giả GS.Đặng Nghiêm Vạn, Chu Thái Sơn, TS.Lưu Hùng cho rằng “Nếu như ở người Ê Đê có nhiều hệ dòng (lignees familiales) thì các hệ dòng đó đều cùng sinh ra từ hai gốc Niê và Mlô”3.
Tiến sĩ Vũ Đình Lợi năm 1994, trong cuốn sách Gia đình và hôn nhân truyền thống ở dân tộc Malayô - Pôlynêxia Trường Sơn - Tây Nguyên nhận xét như sau: “Số lượng các họ ở người Ê Đê ở các địa phương đều quan niệm rằng, xưa kia ở họ chỉ có hai dòng họ là họ gốc đó ”. Nguyên tắc đánh đổi được biểu hiện rõ rết ở những tàn tích tổ chức lưỡng hợp, quần hôn trong xã hội Ê Đê, với việc người đàn ông ở hệ dòng này có bổn phận phải kết hôn với người đàn bà ở hệ dòng đối lập và ngược lại.
Trong luận án Tiến sĩ khoa học lịch sử về: Nhà ở và sinh hoạt trong nhà của người Ê Đê ở Việt Nam (1996) Nguyễn Thị Hòa đã viết: Nguyên tắc ngoại hôn lưỡng hợp ở người Ê Để là rất rõ nét. Hiện nay nhiều nhà dân tộc học ở nước ta đều cho rằng toàn bộ dân tộc Ê Đê được sinh ra từ hai dòng họ lớn. Niê và Mlô và nguyên tắc ngoại hôn được thực hiện chỉ giữa hai dòng họ này mà thuật ngữ khoa học gọi là tổ chức lưỡng hợp. Các tác giả cũng giới thiệu nhiều tài liệu về các họ ngày càng phát triển từ hai họ gốc Niê và Mlô.
Trong Luận án Tiến sĩ khoa học lịch sử năm (2001) của Thu Nhung Mlô Duôn Du Người phụ nữ Ê Đê trong đời sống xã hội tộc người có viết: Theo truyền thuyết thì người Ê Đê có rất nhiều dòng họ khác nhau có lẽ từ thưở xưa những dòng họ này vốn được sinh ra các nhánh thị tộc nhỏ và cứ thế phát triển ra mãi, theo ước tính thì người Ê Đê có tới trên dưới 50 dòng họ lớn nhỏ khác nhau, trong số đó thì Niê và Mlô vốn là thị tộc gốc (thị tộc mẹ) rồi từ hai thị tộc này mới sinh ra các thị tộc nhỏ khác, tức là các dòng họ bây giờ.
Từ những ý kiến nêu trên cho thấy một số nhà khoa học nước ta, khi đề cập đến thiết chế gia đình và hôn nhân cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên, nói riêng là của dân tộc Ê Đê đều sử dụng phổ biến các thuật ngữ tổ chức lưỡng hợp và hệ dòng.
Khi sử dụng thuật ngữ tổ chức lưỡng hợp, nhiều nhà khoa học thường đồng nhất nói với ngoại tộc hôn, hôn nhân giữa 2 thị tộc, trong khi cần có sự phân biệt.
Ngoại tộc hôn (tiếng Anh là Exogamy, tiếng Pháp là Exogamie) là một thiết chế trong hôn nhân dưới xã hội thị tộc, theo đó trong nội bộ một thị tộc cấm chỉ mọi quan hệ tính giao, đàn ông thị tộc A chỉ có thể lấy vợ ở thị tộc B, và đàn ông ở thị tộc B chỉ có thể lấy vợ từ thị tộc A. Nguyên tắc ngoại hôn này quan trọng đến mức, nó được xem là một đặc trưng chủ yếu của thị tộc. Đã là thị tộc tất yếu phải ngoại hôn, không phân biệt đây là thị tộc mẫu quyền, mẫu hệ hay thị tộc phụ quyền, phụ hệ. Nguyên tắc ngoại hôn này xuất hiện trong xã hội nguyên thủy, khi chế độ thị tộc đã định hình và nó kéo dài mãi cho đến khi thị tộc tan rã thì nguyên tắc ngoại hôn thị tộc cũng mất theo.
Còn tổ chức lưỡng hợp là một thiết chế xã hội hoàn toàn nằm trong phạm vi giả thuyết. Ngày nay loài người dù rằng ở rừng rậm Amadon Nam Mỹ hay Đông Nam Á, vùng sa mạc Calakhari Nam Phi hay các hòn đảo hẻo lánh ở Châu Đại Dương, dù ở trình độ thấp kém nhất của quá trình phát triển của xã hội cũng đã vượt quá xa tổ chức lưỡng hợp. Tổ chức lưỡng hợp (tiếng Anh là: Dual organization, tiếng Pháp: OrganIsation dualiste) theo giả thuyết, xuất hiện vào giai đoạn sơ khai của xã hội thị tộc, cách đây khoảng 5 vạn năm, theo phân kỳ khảo cổ học là vào đầu hậu kỳ đồ đá cũ, theo đó cấu trúc của xã hội thị tộc được hình dung như sau: Hai thị tộc ngoại hôn thường xuyên trao đổi qua hôn nhân. Cùng với sự phát triển của xã hội thị tộc và sự phân chia các thị tộc gốc, tổ chức lưỡng hợp biến thành hệ thống 2 bào tộc. Hiện nay trên thế giới, tổ chức lưỡng hợp chỉ còn được phản ảnh trong thần thoại hoặc trong vũ trụ quan sơ khai của các dân tộc mà thôi. Theo Michel Panof và Michel PerRin, ví dụ trong thần thoại nói về hai anh em thuở khởi đầu của loài người là 2 “anh hùng văn hóa hoặc nhịp sống của nhân loại tùy thuộc vào sự đối lập Ngày - Đêm, Trời - Đất, Mặt trời - Mặt trăng . Người ta cho rằng quan niệm của người Ai Cập về sự sự tồn tại thời cổ 2 “Nôm” một ở Thượng Ai Cập, một ở Hạ Ai Cập hoặc tổ chức quân sự của cư dân du mục Châu Á chia làm hai cánh quân phải, trái là dấu vết xa xưa của tổ chức lưỡng hợp. Theo tôi, thần thoại Việt Nam về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh trăm trứng, nở ra 100 con trai, 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển cũng là dấu vết xa xưa của tổ chức lưỡng hợp nguyên thủy, cũng như quan niệm của ta về sự đối lập giữa miền núi và miền biển, giữa tiên và rồng, giữa đỏ (trắng) và đen đều phản ánh dấu vết xa xưa của tổ chức lưỡng hợp.
Các dân tộc ở Tây Nguyên nước ta đã ở vào giai đoạn tan rã của xã hội thị tộc, cho nên dùng thuật ngữ tổ chức lưỡng hợp hay tàn tích, tàn dư của tổ chức lưỡng hợp là không thích hợp.
Trong dân tộc học khi nói về hôn nhân và gia đình, người ta có dùng thuật ngữ dòng (tiếng Anh: lineage, issue, stock of descendants; tiếng Pháp: lignage, lignese) để chỉ những người cùng co chung một vị tổ, không phân biệt dòng mẹ hay dòng bố. Còn thuật ngữ hệ dòng rất hiếm thấy được sử dụng. Đối với xã hội cổ truyền Ê Đê theo tôi nghĩ chẳng cần đặt thêm một thuật ngữ mới là hệ dòng, nó cũng không phù hợp với cấu trúc xã hội nguyên thủy bao gồm ở dạng hoàn hảo các mắt xích: thị tộc- bào tộc-bộ lạc - liên minh bộ lạc.
Trong cuốn sách Xã hội cổ đại, L.H. Morgan định nghĩa bào tộc như sau: Đó là sự hợp nhất hữu cơ hay một sự liên kết của 2 hoặc nhiều thị tộc của cùng bộ lạc để thực hành một số mục đích chung. Các thị tộc đó thường thường hình thành do sự phân chia nhỏ của một thị tộc gốc...1. Những bộ lạc thổ dân châu Mỹ gồm một số lớn bào tộc...1. Hôn nhân giữa các thành viên của cùng bảo tộc bị cấm chỉ, điều này chứng tỏ rằng các thị tộc của mỗi bào tộc là do chỉ 1 thị tộc gốc sinh ra. Những thành viên của một thị tộc nào đó của bào tộc. Chó sói có thể chọn vợ trong số các thành viên của bất kỳ thị tộc nào của bào tộc kia và ngược lại (et vice versa)2.
Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, cửa chế độ tư hữu và của Nhà nước, Ăngghen đã mô tả “Trong một số rất đông những bộ lạc Indian gồm trên năm nay sáu thị tộc, người ta thấy ba, bốn thị tộc hoặc nhiều hơn liên kết với nhau thành một tập đoàn đặc biệt mà tên gọi bằng tiếng Indian của nó được Morgan căn cứ vào từ Hy Lạp tương ứng mà gọi là phơratơri (bào tộc). Chẳng hạn như bộ lạc Xênêca có hai bào tộc: bào tộc thứ nhất gồm những thị tộc từ thứ 1 đến thứ 43, bào tộc thứ hai gồm những thị tộc từ thứ 5 đến thứ 84. Nghiên cứu sâu hơn, người ta thấy rằng những bào tộc đó phần lớn đều tiêu biểu cho những thị tộc ban đầu, tức là những phân nhánh ban đầu của bộ lạc.... Bộ lạc mà phát triển lên thì mỗi thị tộc lại tách ra làm hai hay nhiều nhánh; và lúc đó mỗi nhánh là một thì tộc độc lập, còn thị tộc ban đầu, bao gồm tất cả những thị tộc con, vẫn tồn tại với tư cách là bào tộc... Trong bộ lạc Xênêca, có truyền thuyết cho rằng thị tộc “Gấu” và thị tộc “Nai” là 2 thị tộc ban đầu, từ đó mà phân nhánh ra thành những thị tộc khác5.
Từ những ý kiến của Morgan và của Ăngghen được trích trên đây ta có thể nói rằng: Hệ dòng trong thiết chế hôn nhân và gia đình cổ truyền ở dân tộc Ê Đê Tây Nguyên nước ta chính là một bào tộc, một mắt xích trong cấu trúc của xã hội nguyên thủy: thị tộc-bào tộc-bộ lạc, liên minh bộ lạc.
Trong công trình của GS.Bế Viết Đẳng, Chu Thái Sơn, Vũ Thị Hồng, Vũ Đình Lợi nói trên, hai bào tộc tộc đó là:
1. Niê, Niê Kđăm, Niê Siêng, Niê Sor với bào tộc này, thị tộc gốc là Niê.
2. Mlô, Mlô Duôn Du, Mlô Hút, Mlô Duôn Dao với bào tộc này thị tộc gốc là Mlô1.
Trong công trình của TS. Vũ Đình Lợi năm 1994 đã nói ở trên, hai bào tộc Niê và Mlô bao gồm các thị tộc sau:
1. Bào tộc Niê: Niê Kđăm, Niê Siêng, Niê Hrah, Niê Mla, Niê Buôn Rít, Niê Kgok, Niê Kpa, Niê  Suk, Niê  Gieo, Niê Buôn Ya Kuk, Niê Alê...2.
2. Bào tộc Mlô: Mlô Duôn Du, Mlô Hut, Mlô Duôn Dao, Mlô Kpor, Mlô Dao, Mlô Kdoh3.
Trong Luận án Tiến sĩ của Nguyễn Thị Hòa (1996), có đoạn viết: bào tộc Mlô có các thị tộc: Mlô, Mlô Duôn Du, Mlô Hut, Mlô Duôn Dao còn bào tộc Niê thì gồm các thị tộc: Niê Kđăm, Niê Siêng, Niê Trời, Niê Hrã, Niê Mõ, Niê Chiêng, Niê Mla, Niê Bontap, Niê Sulk, Niê Sor, Niê Kmriek, Niê Buôn Rit, Niê Căm, Niê Bào, Niê Gok, Niê Tố, Niê Chiêng.
Các nhà dân tộc học Việt Nam đã có công lớn phát hiện ra 2 hệ dòng Mlô và Niê ở người Ê Đê. Tuy nhiên, khi có người khẳng định rằng ở người Ê Đê tất cả các dòng họ đều quy tụ về 2 dòng họ gốc là Mlô và Niê thì chưa đủ sức thuyết phục. Nguyễn Thị Hòa, trong luận án Tiến sĩ của mình, trên cơ sở tài liệu điền dã dân tộc học của bản thân, đã nhận định: trong số 66 họ ở người Ê Đê Kpă chung quanh Buôn Ma Thuột có 29 họ thuộc hệ dòng Niê và 20 họ thuộc hệ dòng Mlô, còn 17 họ không thuộc vào cả 2 hệ dòng đó, nhưng ở hầu hết các vùng người Ê Đê, không phải đồng bào đều tự cho các họ thuộc hệ dòng Niê và Mlô.
Thu Nhung Mlô Duôn Du trong Luận án Tiến sĩ của mình có nêu một truyền thuyết rất hay của người Ê Đê: “truyền thuyết của người Ê Đê kể lại rằng họ đi lên mặt đất từ hang Adrên (thuộc phía Bắc của huyện Krông Ân ngày nay) vì ở mãi trong hang tối tăm, chật hẹp quá nên họ đã tìm đường đi lên mặt đất, và theo chuyện kể các dòng họ đã nối đuôi nhau đi lên: Ayun tã êlan, Êban đơng rô, Mlô dung ruê, Huê kiã băng...” (người Ayun phát đường, người Êban đi theo, người Mlô đi theo sau, còn người Huê thì ở lại để giữ hang....). Cũng theo truyền thuyết đó, người Niê Kđăm đi ra sau cùng... Riêng dòng họ Huê cho đến nay họ vẫn cư trú ở buôn Cuê, xã DurKmãl, huyện Krông ÂN, tức là vùng gần với hang Adrên, nơi sinh ra của người Ê Đê. Như vậy theo truyền thuyết trên thì người Ê Đê có rất nhiều dòng họ khác nhau, theo ước tính thì người Ê đê có tới trên 50 dòng họ lớn nhỏ khác nhau, trong số đó Niê và Mlô là 2 dòng họ lớn nhất được biết đến nhiều nhất”.
Về các hệ dòng, ngoài các hệ dòng Mlô và Niê, Nguyễn Thị Hòa còn cung cấp cho ta nhiều tài liệu có giá trị như sau:
a) Hệ dong Bonzah có các dòng họ sau: 1 Bonzah; 2 Bonzah Kôh; 3 Bonzah Arôh; 4 Bonzah Man; 5 Bonzah Edul; 6. Bonzah Lan.
b) Hệ dòng Bun Không có các dòng họ sau: 1. Bunkrong, 2. Bunkrong Pan; 3. Bunkrong Hmok; 4.Bunkrong zăh.
c) Hệ dòng Azun có các dòng họ: 1. Azun; 2. Azun Cư; 3. Azun Tul.
d) Hệ dòng Ktol gồm các dòng họ: 1. Ktol; 2. Ktol Blon...
Tôi cho rằng tài liệu của Nguyễn Thị Hòa là đáng tin cậy. Người Ê Đê tồn tại đến được nay đã trải qua một thời kỳ lịch sử rất lâu dài. Nếu công nhận người Ê Đê, số dân ngày nay có đến 270.348 người, chỉ có 2 hệ dòng duy nhất, tức là 2 bào tộc duy nhất thì người Ê Đê chỉ có 1 bộ lạc gồm 2 bào tộc đó. Tài liệu về lịch sử thế giới cho ta biết rằng phần lớn các tộc người không phải chỉ gồm 1 bộ lạc (thường 1 bộ lạc gồm 2.000 người), mà là nhiều bộ lạc, thậm chí liên minh bộ lạc. Ví dụ người Irôqua gồm có 5 bộ lạc là: Xênêca, Cauga, Ônônđaga, Ônâyđa và Mê hao, gồm có tất cả là 20.000 người. Vào đầu thế kỷ XV, 5 bộ lạc đó đã tập hợp lại với nhau thành 1 liên minh bộ lạc nổi tiếng trong lịch sử. Người Hy Lạp từ xa xưa ở vùng Attích gồm có 4 bộ lạc, mỗi bộ lạc gồm 3 bào tộc và mỗi bào tộc có 30 thị tộc. Với người Giecman cổ đại thì liên minh bộ lạc đã hình thành từ thời Xêda. Còn người La Mã cổ xưa thì gồm có 3 bộ lạc, theo truyền thuyết thì mỗi bộ lạc gồm 100 thị tộc...
Trải qua hàng ngàn năm phát triển, trong điều kiện tan rã của xã hội nguyên thủy, nhiều bào tộc ở người Ê Đê đã phân rã, nếu nói đến bào tộc (tức thị tộc mẹ), tức phải nói đến sự trai đổi hôn nhân giữa 2 bào tộc một cách thường xuyên và bắt buộc thì ngày nay ở người Ê Đê ta chỉ có thể dẫn chứng 2 bào tộc Mlô và Niê mà thôi.
Việc biến mất phần lớn các bào tộc ở người Ê Đê là điều dễ hiểu, vì trong nhiều trường hợp, những bộ lạc đã suy yếu đi nhiều thì không có tổ chức trung gian là bào tộc nữa. Tuy nhiên, với 2 bào tộc Mlô và Niê thì ta thấy rằng cho đến hôm nay nó vẫn đang còn có sức sống mạnh mẽ. Tài liệu lịch sử thế giới cho ta thấy rằng thời kỳ suy tàn, quan hệ hôn nhân giữa các thị tộc trong bào tộc tuy không còn bị luật tục nghiêm cấm chặt chẽ, nhưng trong nội bộ một thị tộc thì quan hệ này vẫn đang còn được duy trì, vi phạm là bị kết tội loạn luân và xử lý rất nặng nề.
Ở người Ê Đê quan hệ hôn nhân giữa 2 bào tộc vẫn bị nghiêm cấm như giữa các thành viên khác giới trong nội bộ một thị tộc. Tuy nhiên, chức năng của bào tộc không còn được giữ nguyên vẹn như trước. Trong số 7 chức năng của bào tộc mà Ăngghen nêu trong Nguồn gốc của gia đình của chế độ tư hữu và của nhà nước, bào tộc ở người Ê Đê vẫn còn duy trì được chức năng điều hòa quan hệ hôn nhân tái sản xuất giống nòi, chức năng đoàn kết, tương trợ, còn các chức năng khác mang một phần tính chất xã hội và một phần tính chất tôn giáo thì không còn được thể hiển rõ rệt như trước kia .
Theo tài liệu đã dẫn của Nguyễn Thị Hòa, qua tìm hiểu bào tộc Mlô và Niê ta thấy rằng số thị tộc ở 2 bào tộc này hiện nay là không đồng đều. Ở Mlô chỉ có 7, trong khi ở Niê thì có đến 18. Sự phát triển không đồng đều về số lượng thị tộc và thành viên trong mỗi bào tộc, tất yếu dẫn đến sự mở rộng trong việc trao đổi hôn nhân, nghĩa là 2 bào tộc ngoài việc trao đổi quan hệ hôn nhân với nhau, còn bắt buộc phải liên minh với các bào tộc khác, và thị tộc khác qua hôn nhân. Ví dụ Mlô kết hôn với Ban, hoặc Niê kết hôn với Bonzah hoặc Niê kết hôn với Ksor, Niê kết hôn với Huấn, Niê kết hôn với Rơô, Niê kết hôn với Alê, Niê kết hôn với Kanai, Niê kết hôn với Trei, hoặc Mlô kết hôn với Adat, Mlô kết hôn với Trei...
Mặc dù tổ chức bào tộc ở người Ê Đê ta có thể phần nào phục nguyên được qua tìm hiểu các bào tộc Mlô và Niê, nhưng cấu trúc xã hội truyền thống của người Ê Đê trên bào tộc là bộ lạc, thì cho đến nay tài liệu rất rời rạc, chỉ là những mảng vỡ rất vụn, khó mà phục nguyên được hình dáng của bộ lạc Ê Đê, chưa nói gì đến liên minh bộ lạc Ê Đê; con cấu trúc xã hội truyền thống Ê Đê dưới bào tộc là thị tộc, tuy có được một số tài liệu về đại gia đình và tiểu gia đình mẫu hệ, về hôn nhân, về tập quán cư trú trong hôn nhân, về việc tính tử hệ và quy định các nguyên tắc thừa kế, về tàn dư của chế độ công hữu, về các  hình thái tôn giáo nguyên thủy liên quan đến mẫu quyền và mẫu hệ tuy nhiên cũng khó mà phục hồi được rõ nét bộ mặt của thị tộc Ê Đê cổ xưa.
Ở Tây Nguyên, ngoài dân tộc Ê Đê còn có một số dân tộc khác ta cũng có thể tìm được dấu vết của bào tộc tuy không đậm nét bằng. Ví dụ ở người GiaRai, bào tộc Rcom có 2 thị tộc là Rcom Trong và Rom Dẹt, bào tộc Ksor có 2 thị tộc là Ksor Tôn Trọng và Ksor Sa Bôm...  Người Chu-ru có bào tộc Jơnưng gồm 2 thị tộc là Jơnưng Sang và Jơnưng Rọp .
Việc nhận thức sự tồn tại của bào tộc cho phép ta hình dung bớt phức tạp bức tranh hôn nhân và gia đình của các dân tộc ở Tây Nguyên. Thậm chí cho phép ta có thể không cần đặt thêm một thuật ngữ mới là “hệ dòng”, cũng như tránh cho ta khỏi dùng một thuật ngữ là tiếp đầu ngữ của ngôn ngữ học để chỉ một khâu của cấu trúc xã hội truyền thống. Dựa trên cơ sở đó,Nguyễn Thị Hòa đã viết như sau: Đồng bào cho rằng có những họ anh em (cùng một nguồn gốc) điều này thể hiện ở tiếp đầu ngữ của họ.
Tóm lại, lâu nay viết về hôn nhân và gia đình người Ê Đê, các nhà dân tộc học nước ta đều dùng thuật ngữ hệ dòng trong khi đúng ra cần dùng thuật ngữ chính thống là bào tộc. Thật ra trước đây (1979) cũng có người như GS.TS. Bế Viết Đẳng, Nguyễn Nam Tiến; hay cách đây không lâu (1994) như TS.Vũ Đình Lợi trong các bài nghiên cứu của mình về người Ê Đê tuy có nhắc đến thuận ngữ bào tộc, nhưng nhận thức chủ đạo vẫn xoay quanh thuật ngữ hệ dòng. Các nhà khoa học kể trên không lấy khái niệm khoa học bào tộc để lý giải soi sáng các vấn đề liên quan đến thiết chế hôn nhân và gia đình của người Ê Đê.
Những tài liệu về bào tộc ở người Ê Đê được nêu trên đây có thể chưa được đầy đủ. Nó chỉ được xem như nêu lên một vấn đề để tiếp tục trao đổi khoa học.
Dù sao việc khôi phục lại dấu vết bào tộc (Gặp Dijues) Mlô và Niê của người Ê Đê là rất có ý nghĩa. Nó chứng tỏ Tây Nguyên nước ta là mảnh đất hứa hẹn nhiều phát hiện dân tộc học có giá trị, góp phần cung cấp tài liệu nhằm khôi phục lại quá khứ xa xăm của loại người; nó cũng chứng tỏ sực thống nhất của nhân loại.

Phan Hữu Dật

No comments:

Post a Comment