Total Pageviews

26.11.12

GS Phan Hữu Dật tặng 1.500 cuốn sách quí cho giảng viên, sinh viên


Một bộ sưu tập phong phú, đa dạng gồm 1.500 cuốn sách, tạp chí, tài liệu quí cùng nhiều luận án, báo cáo khoa học... vừa được GS Phan Hữu Dật - một nhà khoa học đầu ngành dân tộc học của VN - tặng khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHQG Hà Nội).

Đây là toàn bộ số sách vở, tài liệu mà ông đã dày công tích lũy, sưu tập suốt 50 năm qua.
Theo đánh giá của cán bộ giảng viên khoa lịch sử, bộ sưu tập của GS Phan Hữu Dật là một kho tài liệu quí đối với công tác đào tạo và nghiên cứu của khoa, mà trực tiếp là bộ môn nhân học.

THANH HÀ
tuoitre.vn
...................

Vài nét về tiểu sử của GS. Phan Hữu Dật:

GS. Phan Hữu Dật sinh ra và lớn lên tại làng Thanh Lương, bên dòng sông Bồ, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và truyền thống hiếu học. Năm 17 tuổi, ông tham dự cuộc mít tinh trước Ngọ Môn và tuần hành trên đường phố Huế trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau một thời gian ngắn làm việc tại Ty Thông tin - Tuyên truyền tỉnh Quảng Trị, duyên nghiệp nhà giáo đã gắn bó với ông bắt đầu từ trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu. Năm 1947, tại chiến khu Ba Lòng, ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Một năm sau khi hoà bình lập lại, ông được cử đi học đại học và sau đó học nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Dân tộc học ở nước Nga. Từ năm 1964, GS. Phan Hữu Dật về công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành một trong những người đầu tiên xây đắp nền móng cho Bộ môn Dân tộc học ở Khoa Lịch sử nói riêng và ngành Dân tộc học Việt Nam nói chung.

 Trên cương vị nhà giáo, nhà khoa học, ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân và thạc sỹ, tiến sỹ ngành Dân tộc học, Sử học. Ông là nhà khoa học đầu tiên viết giáo trình Cơ sở Dân tộc học để giảng dạy trong các trường đại học Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Phan Hữu Dật đã trở thành một trong những nhà khoa học đầu ngành về Dân tộc học Việt Nam. Trên 100 công trình nghiên cứu đã được công bố của ông đề cập đến những vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu tộc người và văn hoá tộc người, mà công trình nào cũng sâu sắc về mặt lý luận, có tính nguyên tắc về mặt tư tưởng và có ý nghĩa thực tiễn. Đặc biệt, công trình “Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam” của GS. đã được giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005.

GS. Phan Hữu Dật còn là một nhà tổ chức và quản lý giáo dục tâm huyết và tài năng. Ông đã từng là Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; tham gia Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1977, ông được cử giữ vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, quyền Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến năm 1988. Kế nhiệm GS. Nguỵ Như Kon Tum, trong bối cảnh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hiệu trưởng Phan Hữu Dật đã cùng tập thể Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đứng mũi chịu sào, chủ động giải quyết khó khăn, từng bước đưa Nhà trường ổn định và phát triển, làm cho cái tên Đại học Tổng hợp trở thành một trong những địa chỉ giáo dục uy tín cả trong và ngoài nước. GS. Phan Hữu Dật còn được phong GS danh dự của Đại học tổng hợp Maxcơva danh tiếng, là thành viên của Hiệp hội các trường đại học thế giới, là Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiểu sử Hoa Kỳ. Tên ông có trong từ điển “Who’s Who” của nước Mỹ.

Hà - Tuấn
ĐHQGHN









                                                                     


No comments:

Post a Comment